Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Ai đi xa, Tết nhớ về nhà!

Thứ bảy, 14/02/2015 | 01:40
Năm nào cũng vậy, liệu sẽ còn được bao nhiêu lần chiếc va li Tết được gửi sang bên kia địa cầu, bà tôi còn được bao nhiêu lần đứng ngồi chẳng yên mỗi đêm giao thừa chờ nghe tiếng chuông reo?
Ai đi xa, Tết nhớ về nhà!
Ông bà tôi cứ đi ra đi vào từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều, bày ra rồi lại sắp vào, sắp vào thấy còn thừa mấy thứ bên ngoài lại bỏ ra sắp lại. 
Bà ngồi tính lẩm nhẩm xem đã đủ những thứ thiết yếu chưa, trí nhớ của người già và việc từ chối sự giúp đỡ từ đứa cháu ngoại như tôi nên ông ngoại đã được dịp hai lần đạp xe ra chợ mua cùng một thứ vì bà tưởng thiếu.
- Ông có mua đúng hàng bóng bì tôi dặn không?
- Hương này ông phải để trên cùng chứ, đồ cúng cứ xếp đè các thứ lên là phải tội.
- Măng này có mùi phải bọc lại thêm một lần túi nữa.
Bà ngồi cả ngày với một cái vali 15kg trước mặt và chỉ đạo. Ông loay hoay chạy lên chạy xuống hỏi cái nọ cái kia đã đúng chưa. Có lúc ông bà bất đồng ý kiến rồi tranh luận gay gắt không ai chịu nhường ai.
Chiều 20 Tết, đứa cháu ngoại cứ ngồi nhìn ông bà nói chuyện rồi cười ngặt nghẽo và đôi lần nước mắt trực trào ra. Năm nào cũng vậy, cứ tầm này ông bà lại sửa soạn đủ thứ lỉnh kỉnh gửi sang Ucraina cho cô út tôi. Cô đi học rồi lấy chồng bên đó, hai năm mới về một lần vào Tết dương lịch. Cứ cúng rằm tháng Chạp xong là bà lại buồn rồi rậm rịch sắm Tết gửi sang cho con.
Cô tôi nói có thể mua được mọi thứ ở siêu thị bên đó nhưng bà không nghe. Bà nhất định sắm từng thẻ hương, măng khô, bóng bì, bánh đa nem, mộc nhĩ, nấm hương rồi cả mứt tết, kẹo cốm, nho khô...Mọi thứ đều được mua đúng ở những hàng bà đã mua gần hai chục năm qua. Bà cầu kỳ phơi lá mùi cho hơi khô rồi gói cẩn thận gói vào giấy báo. Tôi chỉ được giúp một việc duy nhất là ghi kèm vào đó một mẩu giấy nhắn: "Lá này cho Misa tắm chiều 30, nhận được vali này thì con cất luôn vào tủ lạnh kẻo hỏng". Misa là cháu ngoại mà bà mới được gặp hai lần vào mỗi kỳ nghỉ phép của cô. Ở một túi khác thì bà đọc cho tôi viết: "Măng này đã luộc qua lần một, con luộc thêm một nước nữa rồi hãy dùng"...
Ông bà ở với bố mẹ tôi, cứ mỗi lần gia đình quây quần dịp Tết là hai mái đầu bạc lại đứng ngồi chẳng yên, ra ra vào vào và đôi khi là cố gắng kìm nén tiếng thở dài và những giọt nước mắt chảy ngược. Bà thương con gái đi lấy chồng xa, 6 năm rồi không được ăn Tết quê nhà. Bên ấy dù có đầy đủ như nào cũng không có được cái mùi ngày Tết với hương trầm và lá mùi chiều ba mươi Tết. Bà gửi cho cô tôi cả quê hương, cả tuổi thơ của cô và tuổi già của bà. Rồi chiếc vali cũng có người đến mang đi như mọi năm. Bà lại hồi hộp lo lắng chẳng biết người ta có chuyển đến tận tay cho con gái mình không, mọi thứ bên trong có bị lộn xộn hay mất mát gì không, rồi sang đến nơi cô có biết đường mà làm đúng như lời bà dặn ở các mẩu giấy nhắn. 
Đêm giao thừa, xem xong pháo hoa là bà đứng ngồi không yên bên cái điện thoại. Một nhịp chuông đổ lên, chưa kịp nhấc máy là nước mắt bà đã lưng chòng, vội vàng áp điện thoại vào tai rồi cứ thế bà khóc rấm rức. Nửa vòng trái đất, cô tôi chắc đang ăn trưa ở văn phòng và gọi về chúc Tết cả nhà. Bà kịp nghe chúc Tết xong là lại lục đục dặn dò hỏi han về "cái va li" xem cô có làm đúng lời bà dặn không, măng có ngon không, thằng Misa có thích tắm lá mùi không...Nghe cô nói thèm bánh chưng nhà gói thế là bà lại áy náy vì 20 tết gói bánh thì sớm quá, sang năm bà sẽ gói trước rồi gửi sang cho.
Cả nhà tôi yên lặng nghẹn ngào, bà cuống quýt  gật đầu như thể cái khoảnh khắc giao thừa thiêng liêng này cũng biến mất khi cô tôi gác máy. Tôi nhìn bà tôi. Năm nào cũng vậy, liệu sẽ còn được bao nhiêu lần chiếc va li Tết được gửi sang bên kia địa cầu, bà tôi còn được bao nhiêu lần đứng ngồi chẳng yên mỗi đêm giao thừa chờ nghe tiếng chuông reo?
Và cả cô tôi nữa, chắc sẽ còn rất nhiều năm cô tôi đón Tết Việt Nam với một chiếc vali được gửi sang từ quê nhà. Tôi sẽ làm vậy, gửi Tết cho cô tôi khi ông tôi chẳng còn đủ sức đạp xe ra chợ và bà tôi không nhớ nổi phải sắm sửa những gì cho mỗi mùa xuân.

Tết mà, có ai đi xa lại không muốn về nhà!
Tác giả Chúy

Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN