Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Người cựu binh Việt ở trời Tây

Chủ nhật, 30/08/2015 | 18:00

Tôi gọi anh là lão bởi ngoài số đo thời gian của lão đã gần sáu mươi, lão còn có thêm cái bản mặt lầm lì ít nói. Quê lão ở tận Thanh Hóa, nhà lại sát cầu Hàm Rồng, thời chiến tranh chống Mỹ thì nơi ấy cam go lắm, vì chiến tranh đã cướp đi người cha của lão và dội bom làm tan biến một ngôi nhà ngói ba gian gỗ lim hẳn hoi, còn lão thì cũng vậy. Tuổi trẻ hiến dâng và vật lộn với chiến trường B gần cả chục năm chứ ít gì. Ngày hòa bình, lão hồi hương mang theo tờ quyết định "Phục viên, đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự" với hai bàn tay trắng. Lão nghĩ:  Miền quê nóng nực gió Lào, rau má quanh năm, làm gì để kiếm ăn đây ? trong khi thân thể lão lại găm thêm một mảnh đạn vẫn bám sâu bên vai trái, cứ trở trời là đau buốt nửa mình. Rất may cái hình hài của lão vẫn còn nguyên si nên được chọn đi xuất khẩu lao động .

Tưởng trời Tây sướng lắm ai ngờ cũng khốn đốn ra phết, cái khổ nhất là ngôn ngữ bất đồng nên làm gì cũng khó, hàng ngày lão chỉ biết lầm lũi vào xưởng làm việc, chiều về tha thủi ở các của hàng ký gửi cùng mấy người đồng hương sang trước biết tiếng Tây dắt lão đi "xâm nhập thương trường". Thế rồi bốn năm lao động với bản chất cần cù chịu khó và tiết kiệm, lão cũng đóng được hai thùng hàng gửi về nước. Cái xóm nghèo của lão đồn râm ran là lão “Trúng mánh bên Tây", chả thế mà sau bốn năm lao động về đến cổng làng bọn trẻ đã nhao ra chào hỏi và "vinh danh" lão như "đại gia" của làng. Khỏi phải nói niềm vui của người mẹ già đón con từ Tây trở về với một "đống của nổi kia" cũng làm mát mặt đấng sinh thành ra lão. Sau một tuần nghỉ ngơi lão bắt tay ngay vào giải quyết bán hai thùng hàng đủ thu vén tiền để cất được cho mẹ già ba gian nhà ngói như xưa, đây là lúc lão hãnh diện nhất vì lão đã lấy lại được những gì đã mất thời chiến tranh, riêng con người là cha lão thì không thể làm sống lại được. 
Nhưng phải nói cơ vận của lão một lúc làm hai việc lớn của đời người là làm nhà và lấy vợ. Được mọi người giới thiệu lão cưới ngay một cô gái dạy cấp một trường làng rất hiền thục, đám cưới của lão có thể nói là to nhất làng đủ hết bạn bè thời quân ngũ xa gần đều đến tung hô chúc mừng lão, mẹ lão cũng vui lắm vì con dâu rất hợp mẹ chồng, lão hình dung nàng dâu này sẽ tốt chịu như những người vợ lính cho mà xem, quả nhiên sự hy sinh lớn nhất là chưa hết tuần trăng mật, vợ lão đã đồng ý cho lão “Nga quay", vậy là lão lại lên đường, lão hân hoan nghĩ đến "Nga quay" lần này sẽ làm ăn tích cực hơn nữa để có cơ đón vợ sang Tây đoàn tụ...
 Trở lại Ukraina được hơn một tháng thì vợ lão ở nhà viết thư báo tin đã mang thai, lão sung sướng như kẻ trúng số độc đắc, vậy là lão có thêm nhiều động lực để quyết tâm xây dựng ngôi nhà nhỏ với tổ ấm tương lai bên xứ người. Lão làm ăn ki cóp được thêm ba năm nữa thì nghe tin mẹ ốm nặng lão đành khăn gói về quê phụng dưỡng mẹ già, được hai tuần thì mẹ mất, có lẽ đây là nỗi đau lớn nhất mà lão từng trải vì ngày xưa cha mất lão chưa đủ khôn lớn để nhận biết như bây giờ, may mà ngôi nhà được ấm nên bởi hai cô con gái sinh đôi tròn ba tuổi cứ ríu rít quanh lão như những con chim non, lần đó về nhà chịu tang mẹ xong lão lại phải đi ngay vì việc làm ăn không thể bỏ bễ . Bên Ukraina những thập niên 90 làm ăn đang dễ nên không có bệnh tật nào quật ngã được lão, hai năm sau đó lão buôn bán hàng hóa lãi dần nhân thành tích góp, lão cũng để ra mua được một cái công ở chợ cây số 7 tại thành phố Odessa, lão thấy mình may mắn vì nhẩm tính nếu cho thuê thì hàng tháng cũng được một số tiền kha khá, đủ ăn tiêu, có chút tích lũy và hàng năm vẫn được về thăm quê, vợ lão ở nhà vì là giáo viên nên dạy dỗ con cái khá chu đáo, chả thế mà cả hai đứa đều học xong đại học và có công việc làm ổn định. Lão định bụng đã đến lúc giục vợ lão gả chồng cho hai cô con gái xong rồi sẽ tính kế đưa vợ sang Tây đoàn tụ. Nhưng trời chẳng cho thế, ai ngờ vợ lão lại mắc bệnh nan y rồi ra đi mãi mãi, lão như thấy có một bàn tay vô hình xiết mạnh vào cổ vì đau đớn, thương người bạn đời chưa kịp được thụ hưởng, thương hai cô con gái phải xa cha vắng mẹ, thương cả thân lão chưa đền đáp được cho vợ là bao, nay phải cô đơn nơi xứ người.
 Khó khăn ấy của lão cũng được cộng đồng ở Odessa an ủi, chia sẻ ngay trong lúc tất cả đều gặp khó khăn chung là Ukraina xảy ra chiến tranh, kinh tế khủng hoảng tăng nhiệt, đồng tiền mất giá, hàng hóa ế ẩm, các thành phố đều báo động liên tục, nơi có chiến sự đều thiết quân luật, các cửa khẩu đều đóng mở bất thường... nên lão đành lòng không về chịu tang vợ .Thậm chí “ Chợ đuội “  đến nỗi cái công ngày xưa lão mua định làm lương hưu thì bây giờ nhiều tháng không cho thê được ,lão phải rút tiền túi để nộp thuế cho chợ, tháng nào có người thuê thì lấy thu bù chi lão cũng chỉ được hưởng con số không tròn trĩnh , chưa kể giá công bây giờ "mua mười chẳng bán được một", đâu còn cái thời “ Buôn thất nghiệp , lãi quan viên “ như trước , mất trắng là có thể lắm... nhưng rồi nghĩ đến thời chiến tranh chống Mỹ, lão lại tự động viên “chiến tranh ư ? còn người thì còn của mà", vậy là lão lại hô quyết tâm bước đi, chịu đựng tiếp nơi xứ người … 

Nói vậy là cái gì sống vẫn phải được sống, nghĩa tình của cộng đồng người Việt không chỉ đùm bọc nhau trong lúc cần thiết, mà tinh thần bà con vẫn hướng về đất nước và dân tộc. Vậy là ngày Tổng khởi nghĩa 19 tháng Tám và Quốc Khánh mùng 2 tháng Chín luôn được cộng đồng tổ chức đại lễ kỷ niệm hằng năm. Năm nay là lần thứ 70 đặc biệt lắm. Tất cả cộng đồng hân hoan, lão cũng hân hoan lật trong tủ quần áo để chọn một bộ quân phục cựu chiến binh oách nhất, lão lấy bàn là ra ủi đi, ủi lại cho thật phẳng phiu, trong lòng lão đang trào dâng một nỗi buồn vui lẫn lộn …Lão cẩn thận mở chiếc hộp nhỏ đựng kỷ niệm năm xưa lấy ra mấy chiếc huân huy chương thời chống Mỹ để cài lên ngực áo .Ngắm nhìn thật kỹ trong gương lão nở một nụ cưỡi mãn nguyện ,vì hôm nay lão thấy mình xứng đáng với bà con, với Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraina đứng ra phối hợp tổ chức, với sự tham gia của các đội nghệ thuật đến từ thành phố Kiev, Kherson, Kharcov và Odessa mà đơn vị đăng cai lại là Hội người Việt Nam tỉnh Odessa để chào mừng đại lễ 70 năm này.

Người cựu binh Việt ở trời Tây

Lễ kỷ niệm được tổ chức tại phòng hòa nhạc Odessa Gagarinskoe plato 5 với các chương trình được chuẩn bị rất chu đáo và hoành tráng. Lão được mời ngồi vào hàng ghế giữa dành cho đại biểu và người cao tuổi. Trên sân khấu mở màn thì lão cũng mở iPad dùng Skype để kết nối trực tuyến truyền tải thông tin của buổi đại lễ và quang cảnh cho hai cô con gái “ rượu “ ở Việt Nam cùng xem. Mở đầu cô MC Thanh Hương có giọng nói khá chuyên nghiệp dẫn những âm thanh thật tha thiết và ấm cúng, nói về ý nghĩa của 70 năm kỷ niệm Quốc Khánh nước Việt Nam, về tinh thần của đồng bào Việt kiều dù ở bất cứ nơi đâu đều hướng về tổ quốc và dân tộc...Bỗng khóe mắt lão thấy cay cay, ký ức năm xưa của lão cứ hiện về...nhất là khi đội văn nghệ Odessa mở đầu chương trình với những bộ quần áo bà ba xen lẫn áo dài truyền thống , hát vang ca khúc “Mười chín tháng tám", rồi “Tổ quốc yêu thương” đã đưa khán giả về quá khứ với cái đích thực "đương thời" của lão gian khổ đấy mà vẫn lạc quan nhiều. Bởi những hy sinh mất mát của thế hệ hôm qua mới dành được hạnh phúc cho con cháu hôm nay .Thế hệ thứ hai dù sinh ra ở trời Tây vẫn biểu diễn thành thạo bài hát “Ai yêu bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng"  làm cho hai cô con gái của lão ở Việt nam theo dõi cũng thấy sửng sốt, rưng rưng.

Người cựu binh Việt ở trời Tây

Lão thích nhất cái chú Thanh Hòa đến từ kiev với ca khúc “Tình đất đỏ miền Đông" của nhạc sĩ Trần Long Ẩn, như đưa lão về một miền đất đỏ đã qua, mảnh đất cằn đến nỗi cây cối cũng khó mọc xanh nhưng tình người thì đầy ắp .

Người cựu binh Việt ở trời Tây

Còn Mỹ Lệ và Trường Giang cũng đến từ Kiev thì tha thiết ca khúc “Trường sơn Đông Trường Sơn Tây" làm lão thấy lòng mình quặn đau đan xen quặn nhớ khi nghĩ tới đồng đội vẫn có người còn nằm lại nơi "rừng thiêng núi thẳm" ấy để Tổ Quốc được thanh bình như hôm nay.  

Người cựu binh Việt ở trời Tây

Cô đạo diễn Minh Điệp thật tinh nghịch, trời Tây làm gì có rơm rạ với quang gánh thúng mủng như quê nhà, ấy thế mà cô đã dựng lên cả một hoạt cảnh mùa màng bội thu dành tất cả cho tiền tuyến giống y hệt chiến địa xưa, chỉ khác chỗ mấy cô ca sĩ người Việt ở Tây đi chân đất cũng sắn quần cao nhưng sao gót chân lại trắng nõn nà đến quyến rũ. Thế mới biết cái văn hóa trời Tây mà được cõng theo văn hóa quê nhà thì thật " Vui hai cái tai ,sướng hai con mắt “

Người cựu binh Việt ở trời Tây

Tiệc đại lễ ở Tây thường vẫn đứng, vài ly rượu vang làm lão hơi chếnh choáng, nhưng lão vẫn thấy bàn chân mình bước đi vững chắc bởi bên cạnh lão hơn ai hết là cả một cộng đồng đông đảo và đoàn kết. Lão yêu cái cộng đồng này vì nửa phần cuộc đời lão đi cùng nó,lão đã từng trải qua cuộc chiến tranh chống Mỹ ở Việt Nam và cảm nhận được cuộc chiến tranh Ukraina nên lão có kinh nghiệm : Dù khó khăn gian khổ đến đâu con người ta nhất định phải kiên trì thì ắt sẽ thành công, lão thương cộng đồng trẻ nơi đây phải chịu sự thiếu thốn, vất vả qua chiến tranh nội quốc và khủng hoảng kinh tế toàn cầu, có những gia đình cả vợ chồng con cái sang đây chưa tích lũy được đồng nào thì lại gặp chiến tranh, họ đã phải căng mình ra làm tất cả, chỉ mong sao đủ duy trì cuộc sống. Nhưng lão lại thấy tự hào vì con người Việt nam dù khó khăn đến mấy họ vẫn kiên trì để vươn lên, giữa lúc cộng đồng hoang mang nhất ,liều thuốc đặc trị phải là : Tinh thần. Cái tinh thần ấy nảy sinh từ nhiều cuộc tổ chức của các khối cộng đồng người Việt ở Ukraina vẫn hướng về tổ quốc, hướng về dân tộc.Nó giống như chuỗi ký ức cũ của lịch sử truyền thống nhưng vẫn mới mẻ đâu đây để đóng góp thành công trong cảm xúc con người như buổi văn nghệ với chủ đề “Tổ Quốc yêu thương" của đại sứ quán Việt Nam tại Ukraina do hội người Việt tại Odessa đăng cai đã thành công tốt đẹp. Đó còn là nguồn động viên cho tất cả người Việt tại Ukraina thêm niềm tin, thêm tình đoàn kết, thêm sức mạnh để vượt qua gian khó, đấy là thời gian vui vẻ, trịnh trọng nhất diễn ra từ đầu chí cuối cho đến lúc tiệc tàn, mà lão đã được hưởng, đã chúng kiến và không nhớ bao lần lão được bắt tay, bao lần lão được ôm hôn thắm thiết với những người lính năm xưa, người anh em và các cháu trong cộng đồng Việt làm bao người cũng rơm rớm nước mắt như lão.
Không hiểu lão say hay đê mê tình nghĩa, lão vung vung hai tay, cười nói hả hê do rượu vang nâng nâng dẫn đôi chân lão ra cửa...lên xe rồi mà lão mới nhận thấy đầu tóc và quần áo cựu binh sĩ quan của lão đầy những hạt màu kim tuyến của buổi lễ kỷ niệm dính vào...


                                                                                Odessa, ngày 30/8/2015
                                                                                                  Bạch Dương

 


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN