Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Tháng 7 là tháng của Biển

Thứ tư, 02/09/2015 | 16:28

Tháng 7 là tháng của Biển

Biển Odessa

Năm nào cũng vậy, tháng 7 là tháng nghỉ ngơi của phần lớn dân địa phương, lẻ tẻ có người Việt mình lẫn các dân tộc thiểu số khác đang sinh sống, làm ăn tại Kharkov. Họ lần lượt kéo nhau xuống phía Nam Ucraina theo tiếng gọi của biển sau những tháng ngày vất vả với công việc. Vì thế chăng, hễ bước vào tháng 7 là vắng người mua thưa người bán, chợ đuội hẳn. Đặc biệt mùa hè năm nay, những khó khăn chất chồng và nặng nề cả về chính trị lẫn kinh tế lại kéo dài tại nước sở tại khiến cảnh chợ càng buồn tênh. Lo âu càng dâng tràn trong lòng người, ngỡ như chẳng thể nguôi ngoai.

Nhớ, bằng giờ này năm ngoái, khủng hoảng mới chớm nở vẫn còn dễ thở... Vào sáng chủ nhật cuối tuần, vừa đặt chăn đến Trung tâm thương mại Barabasova, tôi đi nhanh tới dãy BC, tìm M - cậu em cùng quê để bàn chuyện đi biển. Nhưng lạ thay, đã quá tám, chín giờ sáng rồi mà cửa hàng vẫn "cửa đóng then cài". Nghĩ ngày bán lẻ, hẳn chủ định đến muộn. Nhưng càng chờ càng "mất hút con mẹ hàng lươn", tôi bèn lấy điện thoại di động bấm số cho hắn, "bóng gió" hỏi:
- Alo! Ngủ chưa đẫy giấc hả?
- Ơ, anh nói gì em chả hiểu? Đầu dây bên kia, M ngẩn ngơ đáp.
- Ngỡ hắn đùa, tôi "chỉnh" luôn:
- Thôi đừng vờ nữa. Tôi đang chờ cậu ở cửa hàng đây.
- Thật hả anh. Nhưng em cùng vợ con đang ở biển Odessa mà. M vội trả lời.
Tưởng mình nghe nhầm, tôi hỏi lại:
- Cậu không đùa chứ?
- Thực đấy anh.
Bực mình, tôi trách:
- Hẹn hôm nay ra bàn đã "chuồn" đi rồi, có ngán không cơ chứ!
Giọng dịu hẳn, M giải bày:
- Anh tính, đầu tháng 7, chợ vắng khách mua, vợ chồng em tranh thủ lên đường ngay thành thử ra không kịp báo anh - Ngập ngừng một lát, hắn nói tiếp. Vả lại, cũng tại anh cơ, những lần trước bàn hết nhẽ anh chỉ ừ hứ cho qua, chứ có đi biển bao giờ đâu.
- Buồn thật. Năm nay có nguyện vọng thì lỡ bước, chậm chân mất rồi. Tôi than vãn.
- Nếu anh đã quyết thì còn đợi gì nữa. Xuống ngay đi, chúng em chờ - Hẹn tôi xong, M còn dặn thêm - Nhớ đưa cả chị đi theo nhé!
- Cụ thể thế nào, tớ sẽ "phôn" cho cậu ngay. Tôi hứa.
Thế rồi thời gian trôi qua đã hơn một tuần, tôi vẫn loanh quanh luẩn quẩn ở Kharkov vì cái "tội" lệ thuộc vào vợ "Tham công tiếc việc".
Lần nào "mạnh bạo" đưa ra ý kiến, đều bị bà xã gạt phắt với lí do khá chính đáng:
- Hàng tồn nhiều, cần phải thanh toán dần để lấy vốn đầu tư và giải phóng kho nữa chứ anh.
Nghe có lý, tôi đành im lặng. Cuối tháng 7, thời tiết đổi thay, gió trời man mát. Nhiều người "khứ hồi" từ biển. Tôi liền bấm máy cho M:
- Cậu còn ở Odessa không?
- Chờ anh “mòn mỏi mắt” chả thấy thì em còn ở đây làm gì. Giọng hờn giận, hắn trả lời. Trách mình quá “buông trôi thả lòng”, mới nên nông nỗi này, tôi bèn “đánh trống lảng”:
- Hôm nay có ra chợ không đấy?
- Thì em đang trên đường đi đây thôi. Chao ôi! Xa Kharkov mới mười mấy ngày mà đã thấy nhớ nhung quá thể. M tâm sự.
- Chính thế. Đôi khi không muốn rời nó cũng vì lẽ đó.
Cũng chẳng vừa, M cự lại ngay:
- Thôi anh đừng “vụng trèo khéo chống” nữa. Có ngày “Muốn không được” mới cảm thấy tiếc đấy.
Quý cậu em thẳng tính lại nóng lòng gặp hắn, tôi không thể “để bụng” được, vội hỏi:
- Đến đâu rồi hả?
Vừa lúc M xuất hiện. Tay bắt mặt mừng, anh em ngồi bên nhau quanh chiếc bàn vuông với ấm trà xanh. Ngắm khuôn mặt rắn rỏi, đôi cánh tay trần chắc nịch, làn da màu nâu của hắn mà thèm, tôi đặt vấn đề:
- Biển cả là nơi tập trung người tứ xứ. Chắc cậu nắm bắt được nhiều điều thú vị lắm nhỉ?
Như thể chỉ chờ có thế, M trải lòng ngay:
- Hè đi biển, dù em không phải là người Việt Nam đầu tiên và với em năm nay cũng không phải lần đầu. Nhưng em luôn cảm nhận, đây là một trong những việc làm biểu hiện sự hòa nhập với nếp sống mùa hè là biển của dân bản xứ. Thật cảm động, hôm đang nằm phơi nắng trên bờ cát, có một cặp vợ chồng người địa phương nhìn em chằm chằm một hồi, rồi cất tiếng hỏi “Anh là người Trung Quốc hay Nhật Bản?”. Thế là sau giây phút ngạc nhiên ban đầu, cả hai đều vui vẻ vào chuyện. Nào là qua phim ảnh, truyền hình rất cảm phục nhân dân Việt Nam anh hùng trong cuộc đấu tranh chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ dành độc lập, tự do ra sao. Tính cần cù lao động, xây dựng đất nước phồn vinh như thế nào. Cuối cùng bày tỏ sự mong mỏi thiết tha được đến thăm Việt Nam, khiến trong em dâng trào niềm tự hào về Tổ quốc mình.
Vừa nghe hết câu, tôi thốt lên:
- Ở vào vị trí cậu, tớ cũng cảm cảm xúc vậy!
“Chưa hết anh”. Nói xong, M hào hứng kể:
- Anh biết không. Những lúc đứng trước biển cả mênh mông tưởng chừng tới tận chân trời, con người ta cảm thấy nhỏ bé như hạt cát trên sa mạc nhưng tâm hồn lại rộng mở, bay bổng diệu kỳ, quên hẳn đi những vất vả, nhọc nhằn của bao ngày tháng qua. Em mới thấy được vẻ đẹp huyền diệu của mặt trời đỏ rực mọc lên từ biển vào bình minh.
Nghe những lời “có cánh” của hắn rôi cũng giãi bày chính kiến của mình:
- Cả người của biển cũng có những nét đẹp riêng mà dân thị thành mơ cũng chẳng thấy.
- Ấy là chưa kể đến những đặc sản như tôm, cua, cá tươi roi rói của vùng nước mặn này, ăn vào lại thấy ngọt ngào làm sao – Bổ xung thêm niềm vui riêng của người ở biển. M kết luận – Hàng chục năm quần quật trên thương trường với bao lo lắng cho cuộc sống đời thường. Suy cho cùng, cũng phải hiểu thế nào là “đủ” phải không anh? 
 Không đợi câu trả lời, hắn nói tiếp theo dòng suy tư của mình – Hơn nữa, sớm tối chiều hôm kiếm ra đồng tiền bát gạo thì cũng phải biết dành cho mình những phút giây nghỉ ngơi cần thiết. Đặc biệt vào những tháng hè oi ả thì đi đâu ngoài biển hả anh?
- Hoàn toàn chính xác. Nhất trí với hắn, tôi nhấn mạnh thêm rồi hứa như “Đinh đóng cột” – Dứt khoát hè sang năm, vào đầu tháng 7 là tháng nghỉ ngơi”, hai gia đình mình sẽ có mặt tại biển. Ok!
Đồng cảm với tôi, đôi mắt hắn rực sáng niềm tin trước lúc hai anh em chia tay.
Lần khác, gặp N. Nhìn nước da nâu màu nhàn nhạt hiếm thấy người Việt ở chợ có, tôi ướm hỏi:
- Vừa ở biển về đấy à?
Tươi tỉnh nét mắt, N chia sẻ:
- Thì anh tính, một nắng hai sương, kiếm ra đồng tiền bát gạo cũng phải hưởng thụ chứ. Đi biển, tuy chỉ dăm bảy ngày thôi nhưng đấy là thời gian thư giãn cần thiết cho thể xác lẫn tinh thần sau tròn một năm trời đổ mồ hôi, sôi nước mắt. Và còn là dịp hiếm có để tiếp cận với con người, cảnh vật của đất nước, nơi ta đang sinh sống, làm ăn.
Nghe vậy tôi cũng quyết tâm lập chương trình hành động cho tháng 7 năm 1015, cả nhà đi biển nghỉ ngơi cho “biết đó biết đây”. Nhưng tiếc thay, mùa hè năm nay đã qua đi. “Tháng 7 là tháng nghỉ ngơi” mà ước mơ đơn giản ấy vẫn nằm im trong mộng. Bởi, nơi ta đang sống, xu thế chính trị chưa có gì thay đổi, tình trạng kinh tế chưa có hướng đi lên. Cộng thêm chợ đuội hẳn. Ngày nào cũng có mặt tại chợ, chủ yếu bán hàng tồn, rút vốn lấy tiền nuôi miệng mà nhiều buổi về tay không.
Thượng tuần tháng 8, cùng ngày, sáng nghe điện thoại M thông báo đã về quê tìm đường kinh doanh mới. Chiều N nhắn tin vẫn bám trụ với niềm tin “Sau cơn mưa trời lại sáng”. Tự dưng tôi muốn một mình đi Odessa thư giãn dăm ba ngày, tranh thủ thăm lại bạn bè xưa như anh Mạnh, anh Hùng, cháu Huy... những đồng nghiệp đến với “Người Việt Odessa” bằng cái tâm yêu quý báo chí cộng đồng của mình cho đỡ nhớ. Nhưng việc lại không thành, chỉ vì đầu tháng 8 – chợ lại khởi sắc cho những mặt hàng mang tính thời vụ như đồ dùng học sinh, áo quần cho mùa thu sắp tới. Trong đó có gia đình tôi. Thế là tôi bị bà xã giữ lại với lí do chính đáng ấy.
Thấy hợp tình hợp lí, tôi lại đành chờ hè sang năm vào dịp “Tháng 7 là tháng biển gọi”. Ngày ấy, chắc chắn sẽ thực hiện được, bởi cái tình đến với biển, đến với anh em ở Odessa vẫn ấm áp, sống động trong tôi ...

Văn Nhân
“Bạn Đồng Hành” – Kharkov


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN