Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Lẽ phải của đời

Thứ hai, 09/11/2015 | 18:47

Lẽ phải của đời

Ảnh minh họa

Từ lâu, trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam đã có vô vàn những lời hay ý đẹp thể hiện qua ca dao, tục ngữ lẫn thành ngữ khuyên nhủ hay nói cho đúng hơn là phê phán những thói hư tật xấu và răn dạy con người nên tư duy và hành động theo lẽ phải cuộc đời. Biết tự trọng, biết giữ gìn và bảo vệ lời mình phát ngôn ra trong danh dự chứ đừng như con bướm đậu rồi lại bay. Hoặc giả phật ý, giận dỗi nhau thì nên tìm đến nhau để “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Bởi lời nói không mất tiền mua. Để bụng chờ chết mang theo đau đớn lòng phỏng ích gì.
Ngoài ra, còn nhiều câu nói thâm thúy, bổ ích nữa, dù ai cũng hiểu nhưng vì quá tâm đắc với nó, lại thấy tính giáo dục cao trong thời buổi này, nên mạn phép xin được kể ra đây đôi điều cho nhẹ lòng. Thí dụ, có đôi bạn kia thường ngày ngồi bên nhau nhâm nhi chén chè xanh thưởng thức hương vị quê nhà và râm ran chuyện nếp tẻ trên trời dưới đất, nhưng thực ra chỉ là hình thức bên ngoài còn bên trong vẫn ghét cay ghét đắng nhau nên mới có câu “Bằng mặt mà không bằng lòng”. Thậm chí, xỏ xiên nhau đồng nghĩa với câu “Mặt nhân từ mà bụng hiểm sâu” thì có buồn không cơ chứ lị.
Lại nữa, trong quan hệ giữa người với người là bạn dù cho có kề vai sát cánh đến bao nhiêu cũng vẫn phải có một khoảng cách nhỏ để mà tỉnh táo nhìn mình xét người thì may ra mới không rơi vào tình trạng kệch cỡm “Thân nhau lắm cắn nhau đau”. Hoặc đã rồi, mỗi bên cần tỉnh táo làm theo phương pháp cổ điển hữu hiệu nhất “Tiên trách kỷ hậu trách nhân”, nghĩa là mình phải nhận ra lỗi mình trước đã sau đến đối tác mới đúng đạo làm người.
    Đặc biệt, những câu thành ngữ quen thuộc “Lá lành đùm lá rách” hay “Nhiễu điều phủ lấy giá gương. Người trong một nước phải thương nhau cùng” hoặc “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” cũng được Hội nhắc tới nhằm khơi dậy nghĩa đồng bào trong các cuộc vận động bà con lao động giúp đỡ người nghèo khó trong nước và hải ngoại được cộng đồng nhiệt liệt hưởng ứng trong tầm vĩ mô vì lẽ phải của đời.
    Những ngày này, cuộc sống con người có nhiều thay đổi. Tốt xấu lẫn lộn, trắng đen khó phân biệt. Do vậy, cạnh tranh trên thương trường dù có lành mạnh đến mấy cũng không tránh khỏi những mâu thuẫn ngấm ngầm vì cơm áo gạo tiền. Quan hệ bạn bè dù có mật thiết đến bao nhiêu đi chăng nữa vẫn có thể xảy ra những bất bình giấu kín trong lòng như bom nổ chậm ấy… Nên đã xuất hiện những ngôn từ, những câu nói rất chuẩn xác nhằm hướng người ta đi theo lẽ phải của đời. Nhiềunăm qua, trên trang báo cộng đồng đã từng đăng tải được bạn đọc theo dõi, ủng hộ và bà con ta trong ốp ngoài chợ cũng đã từng bàn luận, làm theo. Đấy là:
Đừng nghĩ mình quá quan trọng.
Đây là tựa đề của một bài phỏng vấn lấy từ câu trả lời của anh Lê Viết Lam – Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Kharkov, đăng trên báo “An ninh Thế giới” số 61 – tháng 8 năm 2006, do phóng viên, nhà báo quen thuộc Đặng Hồng Quang thực hiện.
Bài phỏng vấn này được độc giả trong và ngoài nước trân trọng, theo dõi ngay từ ngày đầu phát hành. Nhất là ở Kharkov và một số tỉnh thành thuộc đất nước Ucraina có người Việt mình sinh sống, làm ăn càng quan tâm, hâm mộ hơn khi tạp chí “Tuấn tin quê hương” – tiếng nói của cộng đồng Việt Nam tại Ucraina – đăng tải lại toàn bộ bài phỏng vấn dài trên dưới 7 nghìn từ ấy.
Ngay sau có mấy ngày phát hành, chúng tôi đã nhận được khá nhiều lời tâm tình hồi âm của bạn đọc gần xa. Trước là cảm ơn Ban biên tập đã chuyển tải kịp thời bài báo mang tính thời sự và giá trị giáo dục cao độ đó. Sau là những lời chia sẻ tự đáy lòng. Xin được ghi lại đôi lời ấy:
    “… Ngẫm cụm từ “Đừng nghĩ mình quá quan trọng” thấy ngay sự tinh ý và tế nhị của tác giả khi đặt chữ “nghĩ” sau từ “đừng”. Đồng nghĩa với lời khuyên cáo: Làm việt gì lớn hay nhỏ cần phải chín chắn suy nghĩ trước, sau mới hành động và đừng bao giờ viển vông tự cho mình là vũ trụ đang có nhiều hành tinh vây quanh…”
“… Trong cộng đồng ta dường như vẫn còn những người không muốn ai hơn mình, mặc dầu mình chẳng hơn ai. Thành thử ra, tuy chúng ra đang cùng nhau mưu sinh trong một chiến hài “Thương trường là chiến trường” mà vẫn có người đi chệch hướng chẳng hề đồng thuận về ngôn ngữ, thống nhất về hành động thì làm sao có thể là bạn đồng hành cùng nhau đi tới cái đích thị của cuộc sống là dủng dỉnh cơm áo gạo tiền, lại càng không thể có được tình bạn keo sơn như Lưu Bình, Dương Lễ để tạo nên sức mạnh vượt qua những khó khăn trước mắt và còn lâu dài do tình hình chính trị bất ổn, kinh tế khủng hoảng của nước sở tại chưa biết khi nào dừng…”
“… Những ai hay tự coi mình quá quan trọng? Dễ hiểu thôi. Có thể họ là chủ “Nhà lớn lầu vàng son, tiền bạc đầy túi”. Có thể là những người có học vị cao lợi danh. Có thể nữa, là những người có vai vế trong xã hội, chức quyền giàu sang. Nhưng có nghĩa gì đâu… Sao chắc bền lâu. Cần phải nghiêm khắc phê bình, cảnh cáo tiến tới loại trừ để cộng đồng ta ngày một trong sạch và vững mạnh…”
    Nghe xong, thấy hởi lòng hởi dạ. Bởi lẽ những vấn đề xã hội ấy tưởng chừng chỉ những người làm công tác đoàn thể quan tâm thì nay hóa ra đã là nỗi niềm trăn trở chung của cả phần đông cộng đồng. Cùng nhau sẽ chiến thắng. Tôi tin là như vậy.
    Viết tới đây, chợt nhớ câu “Tiền không quý bằng sự tôn trọng” thấy rất ăn ý với lời khuyên của cổ nhân: Hãy tự lấy của mình chia cho nhiều người sẽ nhận được nhiều thứ của đời. Đối tốt với kẻ thù, kẻ thù sẽ chuyển hóa thành bạn. Luôn tự răn mình và giáo dục mọi người sống như thế nào là tốt. Nếu làm sau hãy cầu nguyện trời đất phù hộ độ trì. Đức Phật sẽ cưu mang, tâm hồn sẽ thanh thản. Đặc biệt, người cầm cân nẩy mực không bao giờ được nóng vội. Cần phải biết cách hòa hợp với mọi người để dần dà hướng họ đi theo cách mà mình cảm thấy là đúng.
Tiền không quý bằng sự tôn trọng.
Đọc đi đọc lại nhiều lần câu nói mang tính nhân ái này, tôi hiểu đấy là sự so sánh rất sát thực tế cuộc sống. Bởi tục ngữ ta có câu “Có tiền mua tiên cũng được” để thấy rõ sức mạnh vô biên của đồng tiền. Nhưng hiềm nỗi tiền có hàng tấn đi chăng nữa cũng không tài nào mua nổi sự tôn trọng của con người.
Thật vậy, trong cuộc sống mưu sinh hàng ngày, kiếm được đồng tiền bát gạo nuôi thân và gia đình. Không khó! Trên thương trường sôi động, doanh nhân nào gặt hái tốt trở thành đại gia. Thu hoạch ít hơn đủ ăn đủ tiêu thuộc dạng thường thường bậc trung cũng là lẽ thường tình. Ngay cả bây giờ, khó khăn đến thế nhưng đã có mấy ai đói bụng. Nhưng trên trần gian này, làm một việc gì đấy để nhận được sự tôn trọng xuất phát từ con tim, tấm lòng của con người đâu dễ dàng. Tuy nhiên, vẫn có cho những ai thật sự hiến dâng vô điều kiện cho lẽ phải của đời xuất phát từ cái tâm, cái tình của mình, vì lẽ phải của đời chứ không vì tiền.
    Đúng thế. Chả tìm đâu xa. Ở ngay Kharkov mình thôi. Trước hết, có thể kể đến là những người sẵn sàng bỏ công sức, thời gian, kể cả tiền bạc để lo toan, chu toàn cho người xấu số thanh thản về nơi an nghỉ cuối cùng là những người trên phương châm “Lá lành đùm lá rách” tự nguyện đóng góp tinh thần lẫn vật chất xây dựng quỹ “Nghĩa tình” để giúp đỡ những ai rơi vào hoàn cảnh khó khăn trong cộng đồng; là Ban biên tập “Bạn đồng hành” ngay từ ngày đầu quyết định ấn hành báo đã xác định một trăm phần trăm không phải vì mục đích kiếm lời mà chủ yếu là tấm lòng, là sự tôn trọng của độc giả đến với người làm báo chúng tôi muốn chia sẻ những niềm vui nỗi buồn, những khó khăn thuận lợi trong cuộc sống đời thường cũng như trong buôn bán kinh doanh ngoài chợ mà thôi. Kể cả gần đây tự nguyện nhận giúp đưa bạn đọc và ai trong cộng đồng đi khám bệnh ở những bệnh viện của thành phố do Nhà Nước quản lý cũng không ngoài chỉ tiêu trên. Đáng được trân trọng lắm, phải không các bạn.
    Hiện giờ nơi ta đang sống còn muôn vàn khó khăn, trở ngại. Muốn vượt qua, cần hơn cả là sự thống nhất về tư tưởng lẫn hành động đoàn kết yêu thương giúp đỡ nhau chân tình trong niềm tin và hi vọng. Vì vậy, trong giao tiếp hàng ngày “Đừng nghĩ mình quá quan trọng”, hiểu rõ vấn đề “Tiền không quý bằng sự tôn trọng” và nhất thiết phải viết “Mình là ai, ở đâu và làm gì?” thì lúc ấy cộng đồng ta sẽ càng trong sạch và vững mạnh biết mấy.
    Phải chăng đấy là ước vọng đến với lẽ phải của đời, là nguyên cớ đem lại cho con người sự kiên nhẫn để mà sống cho ra sống.
                                      

 NTC
Bạn Đồng Hành – Kharkov

    
    

 


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN