Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Dạy tiếng Việt ở nước ngoài

Thứ ba, 05/09/2017 | 07:18
Từ nhiều năm nay, việc dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài không chỉ là sự trăn trở của nhiều thế hệ người Việt sinh sống ở nước ngoài, mà còn là nỗi lòng canh cánh của những người làm công tác quản lý. Mặc dù còn không ít khó khăn, nhưng hoạt động này vẫn có nhiều điểm sáng nhờ nỗ lực của các thầy giáo, cô giáo và bà con kiều bào.

Khó khăn vẫn kiên trì bám lớp      

Ở Ukraina, cộng đồng người Việt sống tập trung tại 3 thành phố: Kharkiv, Kiev, Odessa. Cô Hoàng Thị Vân, giáo viên tiếng Việt tại thành phố Odessa tâm sự rằng, việc dạy và học tiếng Việt cho con em kiều bào hết sức khó khăn, bởi các em hầu hết được sinh ra và lớn lên ở nước ngoài. Các em sử dụng tiếng Nga là chủ yếu và coi tiếng Việt là ngoại ngữ. Dù được luyện đọc, luyện viết nhưng để các em hiểu được theo từng câu, từng chữ, hiểu đúng ngữ pháp tiếng Việt là rất nan giải. Mặc dù khó khăn là thế nhưng việc dạy và học tiếng Việt tại thành phố Odessa, nơi cô giáo Vân sinh sống, được duy trì hơn chục năm nay nhờ tâm huyết của các bậc phụ huynh Việt kiều và Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraina. Sách vở được phụ huynh mang từ Việt Nam sang nên tủ sách của các em khá đa dạng. Hội Người Việt Nam, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên thường xuyên động viên, thăm hỏi cô và trò, luôn sát cánh trong các hoạt động tập thể như sinh hoạt hè, tổ chức Ngày Quốc tế thiếu nhi, Tết Trung thu,... Với tình yêu con trẻ, cô Vân rất nhiệt tình bám lớp, không ngừng học hỏi, tìm tòi hình thức giảng dạy. Đến nay, 34 học sinh của cô gồm 18 học sinh lớp 1, 11 học sinh lớp 2 và 5 học sinh lớp 3 đều ở trình độ khá, giỏi.
Cũng giống cô Hoàng Thị Vân, hơn một năm nay, cô Bùi Thị Oanh, giáo viên dạy tiếng Việt tại Nhật Bản cùng các giáo viên là người Việt Nam sinh sống ở đất nước Mặt trời mọc tự bỏ kinh phí thuê lớp học và soạn giáo trình cho các em trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện. Đến nay, cô đã tổ chức được lớp học tiếng Việt đầu tiên tại Nhật Bản với sự tham gia của 30 học sinh. Dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng lớp học của cô vẫn duy trì đều đặn một buổi/tuần.
 
“Tiếng Việt còn thì người Việt còn”

Ở nước Pháp hiện có khoảng 300.000 người gốc Việt đang sinh sống, làm việc và học tập. Cô giáo Nguyễn Thị Sông Hương, giáo viên dạy tiếng Việt tại Pháp vui mừng vì hiện nay một số hệ thống trường đào tạo chính quy của Pháp cũng mở những lớp dạy tiếng Việt. Người Việt tại Pháp cho dù thường xuyên tiếp xúc với văn hóa Pháp nhưng vẫn gìn giữ văn hóa cổ truyền Việt Nam, quan tâm đến việc truyền thụ và phát triển văn hóa, ngôn ngữ Việt. 

Dạy tiếng Việt ở nước ngoài
 Lễ khai giảng năm học 2016-2017 cho con em người Việt tại Làng Sen, thành phố Odessa, Ukraina. 
 
Còn tại Thái Lan, cô Nguyễn Thị Thanh Sớm, giáo viên dạy tiếng Việt tại tỉnh Nakhon Phanom cho biết, thế hệ kiều bào thứ ba, thứ tư tại Thái Lan hầu như không nói được tiếng Việt. Tuy nhiên, với phương châm “Tiếng Việt còn thì người Việt còn”, từ nhiều năm nay, phong trào dạy và học tiếng Việt được cộng đồng kiều bào hưởng ứng sôi nổi và sâu rộng ở các tỉnh, thành phố. Những lớp dạy tiếng Việt tại các địa phương này đều do các thầy giáo, cô giáo, cựu giáo viên Việt kiều tình nguyện tham gia giảng dạy với tinh thần phục vụ cộng đồng. Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của Hiệp hội Doanh nghiệp và Hội Người Việt Nam ở các địa phương thuộc Thái Lan, các cơ sở dạy tiếng Việt còn được trang bị bàn ghế và địa điểm học. Kết quả, từ chỗ chỉ có vài ba địa phương duy trì lớp học tiếng Việt với số lượng học sinh không nhiều, từ đầu năm tới nay, phong trào này không chỉ đóng khung ở một, hai tỉnh mà còn lan tỏa tới hơn 10 tỉnh có Việt kiều cư trú. Số lượng học viên từ vài ba chục người đến nay có khoảng 500 học viên tham gia và sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

 

Ông Nguyễn Công Hinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ GD&ĐT cho biết, bên cạnh việc biên soạn và số hóa thành công hai bộ sách “Tiếng Việt vui”, “Quê Việt”, xây dựng một số chương trình dạy tiếng Việt trên truyền hình, Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu quả dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài”. Để công tác dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài hiệu quả hơn, thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng chương trình tiếng Việt theo khung năng lực tiếng Việt 6 bậc; đồng thời biên soạn một số tài liệu dạy học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài; tiếp tục bồi dưỡng giáo viên, tình nguyện viên dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài.

 

Ông Lương Thanh Nghị, Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cũng cho biết, thời gian tới, ủy ban sẽ tăng cường tổ chức các hoạt động nhằm động viên, khuyến khích các giáo viên, học sinh kiều bào có đóng góp tích cực cho phong trào dạy và học tiếng Việt. Đối với một số địa bàn khó khăn, ủy ban sẽ trực tiếp hỗ trợ cũng như vận động các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp,… tài trợ kinh phí xây dựng hoặc sửa chữa, cải tạo các điểm trường, lớp học tiếng Việt cho cộng đồng.

NGUYỄN HOÀI - báo QĐND.VN


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN