Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Gặp nhau qua làn sóng điện thoại!

Thứ ba, 14/04/2020 | 16:03
Những tháng đầu năm Canh Tý-2020, dịch COVID-19 nhen nhóm xuất hiện lần lượt trải dài nhiều nước trên thế giới cho đến tận bây giờ. Định mệnh lạnh lùng ấy đã cướp đi bao tính mạng và động chạm đến sức khỏe cũng như tinh thần của muôn triệu người đang sống trên trần gian này.

Trong đó có Việt Nam và Ucraina - quê hương thứ hai của người Việt mình đang sinh sống, làm việc và học tập. Sự thật đau đớn lòng ấy, chắc ai cũng thấy và cùng nhau đồng tâm cộng lực tích cực phòng chống, ngăn chặn theo hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế Ucraina, chỉ thị kịp thời của Đại sứ quán Việt Nam tại Ucraina cũng như chủ trương hướng dẫn của Hội người Việt Nam các tỉnh thành.

Những ngày này, vào thời gian Карантин - chế độ cách ly người có bệnh truyền nhiễm, ngồi nhà buồn tênh đầu óc rối bời đầy lo âu trước tình trạng dịch covid-19 nặng nề đã đành mà còn âm thầm lặng lẽ suy tư về thân phận mình - “dân chợ búa” hiện thời và tương lai sẽ ra sao, nhất là khi Trung tâm thương mại Барабашова - nguồn sống chính của hàng ngàn gia đình người Việt ở Kharkov tạm đóng cửa từ ngày 18 tháng 3 năm 2020. Thêm nữa, nhớ lời nhận định: “kinh tế chợ sẽ không bao giờ phát triển” - đồng nghĩa với ngưng trệ, cửa miệng của một vị lãnh đạo trong chính quyền từ mấy năm trước, nghiệm ra thấy đúng thì tự hỏi rằng có ngán ngẩm hay không? Mặc dù tôi và nhiều người tự động viên, an ủi mình “cái gì đến sẽ đến” cho thanh thản, kịp bắt nhịp theo cuộc sống trôi nổi nơi xứ lạ người xa.

Nhiều lần định gọi điện cho mấy người bạn thân cùng mưu sinh tại chợ, thăm hỏi sức khỏe cá nhân lẫn gia đình sau đó là tranh thủ trao đổi đôi lời về thời cuộc, giúp nhau vững bước mà đi. Nhưng e ngại “mỗi người có cho mình mối riêng tư” ở thời điểm Карантин này. Hơn thế, tính đến ngày hôm nay, quá một tháng trời Карантин, ngay đồng nghiệp trong buôn bán, kinh doanh đến Hội đoàn, thân thiện như vậy cũng vắng tiếng, chứ không như trước đây, chuông điện thoại réo liên hồi, chuyện trò “Trăm thứ bà rằn”chẳng hết lời.

Nhớ. Đã bao năm rồi cũng như lần này (Карантин) sau cuộc hội thoại ngắn ngủi “qua làn sóng điện thoại” với Đại tá Петр Махайлович - sinh ngày 28 tháng 1 năm 1931, nguyên chủ tịch Hội Cựu chiến binh Kharkov, từng công tác ở Việt Nam vào thời kỳ chống Mỹ, cứu nước đầy đạn bom. (Hiện sống cô đơn sau ngày vợ ra đi vào cõi vĩnh hằng khoảng 5 năm về trước và năm ngoái, người con gái duy nhất - chưa đầy 60 từ giã cõi đời) bao giờ cụ cũng nhắc nhở tôi: thường xuyên điện thoại thăm hỏi nhau là món ăn tinh thần không thể thiếu được đối với cuộc sống tình cảm của con người. Và lần nào cũng vậy, sau khi ngưng lời là giọng cười sảng khoái vững niềm tin vào mai ngày, khiến tôi càng khâm phục lời khuyên chủ chân tình của ông già ở tuổi “gần đất xa trời”. Tự hứa sẽ làm theo, nhất là vào lúc này gặp gỡ anh em bạn bè, kể cả người thân đâu dễ!

Hôm vừa rồi, chiều ngày 13 tháng 4 năm 2020, xem Tivi kênh 7, bồn chồn lo lắng thấy con số bệnh nhân nhiễm КОРОНОВИРУС КОВИТ-19 trên thế giới ngày một tăng-Kharkov là 11, nhìn bối cảnh phố phường thưa người qua lại hoặc vội vã bước chân trên nẻo đường mà lòng buồn tênh, tôi liền gọi điện cho K - anh bạn trẻ thức thời kịp khứ hồi chuyến bay từ Hà Nội về Kharkov trước lệnh Карантин. Vùng biên giới “tạm” đóng cửa khẩu.

Thăm hỏi đôi điều xã giao đâu vào đấy, tôi vào đề luôn kể lể những gì “tai nghe mắt thấy” về dịch covid-19, nguy hiểm tác hại nhanh hơn cả chiến tranh như thế nào, rồi dặn:

- K à! Sống trong khu chung cư đông người Việt tránh tụ tập, dù chỉ dăm ba người. Hạn chế tối đa ra phố phường, một khi cần phải đi mua thực phẩm, thuốc men phòng chống dịch, nhớ đeo khẩu trang. Và, khi về, chớ quên rửa tay bằng xà phòng qua nước nóng... Cảm giác anh bạn trẻ đang chú ý lắng nghe, định “dài dòng văn tự” đôi điều nữa nhưng không hoang mang dao động, không xích mích “điều qua tiếng lại”. Vui vẻ chuyện trò, động viên nhau. Giữ niềm tin và gắng đợi chờ những gì đã đến sẽ qua đi... Nhưng chợt hiểu “ai chả đã biết” nên thôi. Cuối cùng chỉ dặn, anh em mình còn gặp gỡ nhiều qua làn sóng điện thoại nhé!

Đáp ngắn gọn “Vâng” rồi K hứa:

- Em sẽ thực hiện đúng những điều anh yêu cầu ấy! Bởi đấy cũng là nguyện vọng của em. Nguồn động viên lớn và cần thiết để giúp đỡ nhau vượt qua mọi khó khăn lúc này.

-Và, có lẽ cho cả cộng đồng ta - một thời chợ búa, một thời nhen nhóm tình bạn xưa. Tôi nhấm mạnh thêm.

Nguyễn Trọng Cơ

“Bạn Đồng hành”_ Kharkov. Tháng 4-2020


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN