Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Ngày đầu làm dâu ở Peru

Thứ năm, 28/06/2018 | 15:04
Phan Quỳnh Dao, nguyên là lưu học sinh Đại học khí tượng thủy văn Odessa (1988-1993), tại đây, chị gặp Roberto Salas, người Andina và kết hôn cùng anh. Năm 1998, chị cùng con trai đầu lòng theo chồng về Peru sinh sống ở Juliaca, từ đó tới nay.

Ngày đầu làm dâu ở Peru

Sau khi xem các trận thi đấu của đội tuyển Peru ở World Cup 2018 tại Nga, chị Phan Quỳnh Dao cùng cả gia đình về thăm lại Odessa sau 20 năm xa cách. Về đây, chị như "ngất ngây vì nắng vàng trong như mật ong, vì hương vị biển cả, vì bao nhiêu là kỷ niệm và vì tình yêu thương bạn bè". Cũng tại Odessa, chị đã gặp lại những người bạn quen qua những người vất vả, lăn lóc ở chợ "Cây số 7", "vậy mà thật chân thành và thân thiết". Người Việt Odessa trân trọng giới thiệu với bạn đọc một bài viết mà chị đăng tải trên trang Facebook của mình.

Ngày đầu làm dâu ở PeruNgày đầu làm dâu ở PeruNgày đầu làm dâu ở PeruNgày đầu làm dâu ở PeruNgày đầu làm dâu ở PeruNgày đầu làm dâu ở Peru
Một số hình ảnh khi gia đình chị Dao xem Worldcup tại Nga và gặp lại những người bạn năm xưa tại Odessa

Juliaca, thủ phủ của tỉnh San Roman, nằm trên cao nguyên Antiplano ở độ cao 3.825m so với mặt nước biển. Vừa chân ướt chân ráo về tới nơi, tôi được nhà chồng mời tới ra mắt. Nhà chồng tôi vốn khá giả, ngôi nhà được xây dựng theo kiểu biệt thự hiện đại, nhưng khi vừa bước chân qua ngưỡng cửa tôi đã ngạc nhiên khi thấy trên cửa treo lủng lẳng nhiều nhánh xương rồng tươi tốt, cùng một mớ nào ngô, nào tỏi và nhiều thứ linh tinh khác trông khá là mất thẩm mỹ. Sau này tôi mới biết rằng đó là một loại bùa ngải của người Andina. Xương rồng có nhiều gai là để bảo vệ cho sự yên ấm của gia đình, chống lại sự hiềm tỵ, ganh ghét của kẻ thù địch. Nếu gia đình thịnh vượng, không bị trù úm gì thì nhánh xương rồng, không cần nước và đất, vẫn đâm lên xanh tốt, còn ngược lại thì nhánh xương rồng cứ tự nhiên héo quắt và chết. Tỏi đực cũng có tác dụng bảo vệ cho sức khỏe và sự bình an của gia đình. Còn bắp ngô sinh đôi là biểu thị cho sự sung túc và dư dật.

Tôi được mời vào phòng ăn. Đó là căn phòng rộng thênh thang, giữa kê một cái bàn hình oval (bầu dục. BT), có thể ngồi tới một tá rưỡi người. Ông bố chồng tôi khoe rằng sắm bàn này là để có thể ăn chung với tất cả con dâu, rể và các cháu. Người ta bưng ra trước mặt chúng tôi mỗi người một đĩa tây (đường kính tới 35cm) ú hụ thức ăn: ớt nhồi thịt, mỳ sợi bỏ lò, ngô luộc... Nằm trịnh trọng chính giữa là một con chuột to xù như bắp chuối! Con chuột vàng ươm, béo ngậy nhe răng nhìn tôi. Quá khiếp đảm, tôi bật kêu lên: "Eo ơi, chuột!". Cả nhà cười ồ. Mọi người giải thích cho tôi: "Không phải chuột đâu, cuy đấy! Nó chỉ là anh em họ với chuột thôi, con này không có đuôi, được nuôi trong nhà". Cuy là vật nuôi phổ biến của người Andina. Nếu vào bếp mà không cẩn thận bạn sẽ giẫm phải chúng, chúng bò lổm ngổm dưới sàn, rúc vào gầm chạn, xó bếp, chả hề biết sợ người và ăn đủ thứ: từ cơm, ngô, đến vỏ khoai tây, cỏ... và sinh sản rất nhanh. Cuy trưởng thành có thể nặng tới trên 1kg. Thịt chúng thơm ngon, đậm đà hơn thịt gà.

Ngồi quanh bàn ăn là bố, mẹ, chú bác và các em chồng tôi. Họ nói chuyện râm ran, tất nhiên lúc đó tôi không hiểu họ nói gì, nhưng luôn gặp ánh mắt tò mò thú vị nhìn mình. Trước khi ăn, cả gia đình đọc một đoạn kinh ngắn tạ ơn Chúa đã ban cho bánh trên bàn. Sau đó tôi thấy mọi người vẫn chưa ăn, mà ai cũng kín đáo bỏ một miếng thức ăn xuống đất, tôi lạ quá vì sao những người lớn này lại tự làm bẩn sàn? Hóa ra họ làm như vậy để tạ ơn Đất Mẹ, người đã dung dưỡng ta, đã cho ta cuộc sống và sẽ nhận lại ta vào lòng khi ta chết. Vậy nên trước khi ăn, uống họ đều mời Đất Mẹ trước. Cuy được nuôi trong nhà. Bàn ăn lịch sự, trải khăn trắng tinh nhưng nhìn quanh nhìn quẩn không thấy bày dao dĩa gì cả. Vậy ăn bằng gì nhỉ? Biết ý, Roberto - chồng tôi, nói nhỏ: "Tay không bắt giặc thôi". Thì ra người Andina ăn bốc. Thực ra ăn bằng tay cũng không khó vì chỉ cần cật lực xé xác con vật ra từng mảnh nhỏ mà chén. Rồi tôi cũng thích thú ngắm nhìn họ, họ ăn uống hăng say và thật là nhiều. Thỉnh thoảng bà mẹ chồng lại âu yếm đút những miếng ngon lành nhất vào miệng chồng mình. Trời ơi, chả lẽ sau này tôi cũng phải mớm cho ông xã bằng cách ấy ư! Họ cẩn thận mút mát xương xẩu đến độ con cuy to đùng như vậy mà sau một hồi trên đĩa chỉ còn lại những mảnh vụn như ruốc bông trong khi tôi cố gắng lắm mới xơi xong một chiếc đùi. Bố chồng hỏi tôi tỷ mỷ về gia đình, cuộc sống ở Việt Nam, đặc biệt về tín ngưỡng của tôi. Tôi còn nhớ cảm xúc vô cùng hãnh diện và khoái chí của mình khi kể về những điều ưu việt ở Việt Nam và rằng tôi vô thần. Chắc lúc đó gia đình nhà chồng tôi sợ xanh mắt, không rõ thằng con quý tử khuân ở đâu về một cô cộng sản chính hiệu và nhất là lại không chịu thờ phượng bất cứ một loại thần thánh nào.

Sau bữa ăn là uống bia - người Andina uống bia nhiều kinh khủng, đơn vị uống là thùng (12 chai x 650ml). Mỗi khi khui nắp bia, bọt trào ra, mẹ chồng tôi lại hoan hỷ reo lên: "May mắn quá, tiền đây, tiền đây!". Rồi bà vội vàng hớt lấy đám bọt cất cẩn thận vào túi. Khi rót bia người ta luôn rót thật đầy, bọt phải trào ra khỏi cốc thì mới chứng tỏ tình cảm lai láng. Mỗi khi nâng cốc, người ta phải chúc khắp lượt: "Salud papa, salud mama!" (Chúc sức khỏe bố, chúc sức khỏe mẹ!). Phụ nữ Andina uống chica - loại nước lên men được chế từ ngô. Đặc biệt ở đây là dân vùng nào chỉ ưa uống bia của chính vùng đó, những người miền núi ở đây thích uống bia Cusquena (bia được sản xuất ở Cusco) người Lima thì quen uống bia Cristal, Picel Callao... Bí quyết để có thể uống được nhiều mà không say là không được ngồi một chỗ mà phải nhảy thật lực.

Điệu nhảy đặc trưng của người Cusco là Huyano - điệu nhảy cổ truyền có từ nhiều trăm năm trước được nhân dân rất ưa thích và luôn đươc nhảy trong mọi dịp vui. Những bước giậm chân rất phức tạp và đặc biệt duyên dáng. Người ta vừa nhảy vừa huýt sáo hoặc hát theo, những bài hát có lời rất mộc mạc giản dị như chính cuộc sống của họ. Mẹ chồng tôi với đôi môi ướt đẫm bia hôn chút vào má tôi rồi lôi tôi đi giới thiệu với họ hàng: "Con vàng con bạc của tôi đấy các ông bà ạ, nó đã bỏ cả cha mẹ, sự nghiệp về với con giai tôi đấy". Sau đó bà lại lăn vào một đám khác - dĩ nhiên là quên ngay tôi - và say sưa huyên thuyên về một chuyện hoàn toàn khác. Kết thúc các cuộc vui bao giờ cũng bằng những giọt nước mắt. Các bà đã say mèm nên bắt đầu hồi tưởng về tất cả cuộc đời vất vả của mình mà nếu viết ra thì phải dài bằng cả cuốn tiểu thuyết, giãi bày cho tất cả mọi người đoạn trường gian truân, nào bị ông chồng đánh đập thế nào, nào bị cắm sừng ra làm sao... Các bà thường rít lên the thé, kể lể nhiều đến nỗi các ông chồng say mềm không thể nào giữ nổi bình tĩnh phải tống cho các bà vợ mấy quả thì mới yên chuyện. Đại khái là như vậy nên quả thực tôi rất ngại đi dự hội với họ.

Phan Quỳnh Dao


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN