Người Việt Odessa
Mục hỏi đáp

Tại sao có ngày lễ Vu Lan báo hiếu và xá tội vong nhân

Thứ sáu, 08/08/2014 | 23:34
Trong các nghi thức tín ngưỡng và tôn giáo theo định lệ hằng năm tại Việt Nam và nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á coi rằm tháng 7 khởi đầu tiết thu, trời đất ảm đạm, gió heo may, mưa phùn rả rích, lá vàng trút xuống...đều gợi nỗi buồn man mác tâm tư do cảnh sắc đem lại. Đây cũng là cơ hội để con người tưởng nhớ các khoảng trống tâm linh mà mình chưa làm được, chưa đáp ứng những mong muốn của những người thân đã đi xa, đồng thời cũng là nỗi cảm thông với các vong linh cô hồn bơ vơ, không nơi nương tựa...
Tại miền Bắc Việt Nam trước năm 1975 chỉ làm lễ rằm tháng 7 có cái tên "Xá tội vong nhân" - tức lễ tha, giảm tội lỗi cho linh hồn con người - sau 1975 trong Nam gọi ngày lễ ấy là "Vu Lan báo hiếu" - Vu Lan là từ viết tắt của chữ Vu-lan-bồn (盂蘭盆), được gọi là Ô-lam-bà-noa (烏藍婆拏), cách phiên âm Phạn-Hán từ danh từ ullambana - nghĩa là "treo (ngược) lên", là giải mã các từ Giải đảo huyền được lấy ý từ câu: "Dân chi duyệt chi do giải đảo huyền dã", chỉ sự giải thoát cho những kẻ khổ sở tột cùng ở cảnh giới Địa ngục. Thực ra lễ này tách hai bởi có hai điển tích khác nhau nhưng được coi là một tâm niệm của người sống là cầu xin Thần linh các cấp ban ơn đại xá cho vong linh thân nhân của mình và các vong linh bơ vơ không nơi nương tựa, đồng thời cũng xin cơ hội tưởng nhớ báo hiếu cha mẹ và tổ tiên. Lễ ấy người ta cài lên ngực mình một bông hồng đỏ là ám chỉ người ấy đang hạnh phúc là còn cha, còn mẹ, nếu cài bông hồng trắng là cha mẹ đã ...đi xa:
Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt, 
Toát hơi may, lạnh buốt xương khô. 
Não người thay, buổi chiều thu 
Hoa lau nhuốm bạc, lá ngô rụng vàng…
Đây là đoạn mở đầu bài : "Văn chiêu hồn thập loại chúng sinh" của đại thi hào Nguyễn Du đã tả cảnh sắc ảm đạm vô cùng trước khí hậu miền Bắc. Nghe văn này theo giọng ngâm thơ bi ai, hay lảy Kiều hay tụng kinh giọng bi não thì khó mà cầm được nước mắt lắm.
Hai lễ cúng lớn trong tháng 7 âm lịch là lễ Vu Lan và Xá tội vong nhân đều chứa đựng ý nghĩa nhân văn cao cả là đề cao việc báo hiếu và làm phúc bố thí.
Sự tích cúng cô hồn có liên quan đến câu chuyện như sau: Ngày xưa có vị sư tên A Nan Ðà (gọi tắt là A Nan) bỗng nhìn thấy một con quỷ miệng lửa (diệm khẩu) lúc nào cũng bốc cháy. Một buổi tối, A Nan đang ngồi trong tịnh thất thì thấy con ngạ quỷ ấy rõ hơn với thân thể khô gầy, cổ nhỏ mà dài, miệng nhả ra lửa bước vào. Quỷ ấy nói rằng ba ngày sau, A Nan sẽ chết và sẽ luân hồi vào cõi ngạ quỷ miệng lửa, mặt cháy đen như nó.
A Nan sợ quá, bèn nhờ quỷ bày cho phương cách tránh khỏi nỗi khổ đó. Quỷ đói nói: “Ngày mai ông phải bố thí cho bọn ngạ quỷ chúng tôi mỗi đứa một hộc thức ăn, và soạn lễ cúng dường Tam Bảo thì ông sẽ được tăng thọ, còn tôi sẽ được sinh về cõi thế giới tốt đẹp hơn”.
A Nan đem chuyện bạch với Ðức Phật. Đức Phật bèn cho bài chú gọi là “Cứu bạt diệm khẩu ngạ quỷ Ðà La Ni”. A Nan đem tụng trong lễ cúng và được thêm phúc thọ…
Phong tục cúng cô hồn bắt nguồn từ sự tích này nên ngày nay người ta vẫn nói cúng cô hồn là Phóng diệm khẩu, với nghĩa gốc là “thả quỷ miệng lửa”. Về sau, lại được hiểu rộng thành các nghĩa khác như tha tội cho tất cả những người chết (xá tội vong nhân) hoặc cúng bố thí cho những vong hồn vật vờ không nơi nương tựa (cô hồn).
Tháng bảy Âm lịch còn gọi là tháng "xá tội vong nhân", tức là thời gian các vong hồn được thả tự do. Trong những ngày này, người dân thường lập đàn cầu siêu hoặc cúng bố thí thức ăn và các phương tiện cho các cô hồn để mong họ phù hộ cho mình.
Ở Trung Quốc, việc cúng cô hồn được thực hiện vào ngày 14 tháng 7 âm lịch, còn ở Việt Nam thời gian này kéo dài nguyên cả tháng, không ấn định riêng ngày nào. Mặt khác dân gian còn gọi tháng bảy là "tháng cô hồn" không đem lại may mắn nên người ta thường tránh khởi sự làm ăn mua bán xây nhà trong thời gian này.
Người Việt trong truyền thống cho rằng ngày 15/7 âm lịch là ngày "mở cửa ngục” để các cô hồn nhận đồ cúng tế cũng như quần áo, phương tiện và một ít tiền vàng, mã, do ngày xá tội vong nhân đã cho phép các vong linh được nhận. Khi thực hiện lễ này người Việt cũng nhân đó mà làm lễ cầu siêu cho gia tiên tiền tổ và gửi biếu chút vàng mã cho các chân linh gia tiên nhằm thể hiện sự hiếu thảo của con cháu đối với các bậc sinh thành.
 
Họa sĩ nhà báo Trịnh Yên
 

Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN