Người Việt Odessa
Mục hỏi đáp

Tại sao Ucraina nới lỏng cách ly khi mức độ lây lan dịch bệnh đang cao?

Thứ hai, 25/05/2020 | 18:55
Theo kế hoạch của Chính phủ Ucraina, đến giữa tháng 6 tới, các biện pháp cách ly phòng dịch Covid-19 sẽ được bãi bỏ hoàn toàn, theo lộ trình 5 giai đoạn. Tuy nhiên, lộ trình này chỉ áp dụng tại những địa phương đáp ứng được 3 yêu cầu dưới đây:

Tại sao Ucraina nới lỏng cách ly khi mức độ lây lan dịch bệnh đang cao?

Chỉ số trung bình các trường hợp lây nhiễm mới trong vòng một tuần không quá 12 ca trên 100 nghìn dân.

Số giường phục vụ bệnh nhân Covid-19 tại các bệnh viện chưa sử dụng quá 50%.

Số lượng xét nghiệm PCR (xét nghiệm theo phương pháp phản ứng polimer dây chuyền) và xét nghiệm LISA (xét nghiệm kháng thể đối với virus nCoV) trong vòng một tuần không dưới 12 ca trên 100 nghìn dân.

Các địa phương cũng được quyền ban hành những quyết định riêng biệt về chế độ cách ly phòng dịch, phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh tại khu vực của mình.

Chính phủ Ucraina gọi đây là cơ chế cách ly cục bộ. Tạm thời chế độ cách ly phòng dịch Covid-19 trong cả nước vẫn đang có hiệu lực thi hành đến ngày 22/6/2020, nhưng các biện pháp hạn chế được nới lỏng từng bước, theo lộ trình gồm 5 giai đoạn, với khoảng cách trung bình 10 ngày cho mỗi giai đoạn.

Theo giải thích của Thứ trưởng Bộ Y tế Ucraina - Cục trưởng Cục Vệ sinh dịch tễ Victor Lyashko, kế hoạch bãi bỏ chế độ cách ly của Ucraina dựa trên tình hình dịch bệnh trong nước và qua nghiên cứu diễn biến tại các nước láng giềng, đặc biệt là Ba Lan - quốc gia được cho là có nhiều điểm giống Ucraina trong đại dịch Covid-19.

Bình luận về vấn đề này, Viện sỹ Sergei Komisarenko - Viện trưởng Viện Hóa Sinh Học, Trưởng nhóm chuyên gia nghiên cứu về virus corona của Viện Hàn lâm Khoa học Ucraina, cho biết, tại mỗi nước đều có sự đối đầu về chiến lược phòng chống đại dịch Covid-19. Thông thường, một bên là các bác sỹ và các nhà sinh vật học, ủng hộ các biện pháp cách ly cứng rắn, còn bên kia là các chính trị gia, các nhà kinh tế và giới kinh doanh - những người muốn nới lỏng chế độ cách ly càng sớm càng tốt.

Theo lời ông, nếu một quốc gia có số liệu thống kê khách quan và chính sách triển khai xét nghiệm đúng đắn, có dự báo và mô hình phù hợp, thì Chính phủ nước đó sẽ dựa trên dự báo của các chuyên gia để bãi bỏ từng bước các biện pháp hạn chế, song song với việc kiểm soát các ca lây nhiễm mới trong nước. Tuy nhiên, theo ý kiến ông, tại Ucraina hiện nay, tình hình triển khai xét nghiệm PCR (xét nghiệm bằng phương pháp phản ứng polimer dây chuyền) còn rất kém, vì vậy, không thể xác định được chính xác số lượng người bị nhiễm Covid-19 trong nước.

Viện sỹ Komisarenko cho rằng, quyết định của Chính phủ Ucraina bãi bỏ chế độ cách ly phòng dịch, trước hết là do ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế, xã hội và chính trị. Trong điều kiện hiện nay, theo ý kiến ông, điều hết sức quan trọng là phải tổ chức đúng việc triển khai nới lỏng các biện pháp hạn chế. Nhiều nước ở châu Âu làm việc này rất thận trọng, với sự kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh.

Ông cho biết, Tổ chức Y tế Thế giới đã cảnh báo có thể xảy ra một làn sóng dịch thứ hai vào giai đoạn mùa thu - đầu mùa đông năm nay. Về việc khôi phục hoạt động giao thông công cộng, Viện sỹ cho rằng nên áp dụng mô hình thẻ xe, dành cho người cần đi làm. Các quy định: đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn, khử trùng các địa điểm công cộng… cần phải được thực hiện nghiêm túc dưới sự kiểm soát của các cơ quan hữu quan.

Theo nhận xét của Giáo sư Aleksei Garan, Giám đốc khoa học Quỹ Sáng kiến Dân chủ, chính quyền Ucraina hiện nay, cũng như chính quyền nhiều nước khác, đang đứng trước lựa chọn hết sức khó khăn, giữa một bên là kinh tế và bên kia là chế độ cách ly phòng dịch. Về quyết định bãi bỏ cách ly tại Ucraina, ông cho rằng, trước hết đây là nỗ lực của chính quyền đương nhiệm nhằm giữ chỉ số tín nhiệm của mình bằng mọi giá.

Ông Garan cho biết, theo kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu Xã hội Kyiv, hiện có đến 57% dân số Ucraina đặt vấn đề kinh tế lên hàng đầu, cao hơn rất nhiều so với số người lo ngại về đại dịch Covid-19. Không những thế, con số này đang tiếp tục tăng lên, bằng chứng là trong tháng 3, số người lo sợ dịch bệnh cao hơn nhiều so với những người lo lắng về kinh tế.

Ông nhận định, đứng trước sự phản đối của xã hội và nguy cơ bị mất tín nhiệm, chính quyền Ucraina đã buộc phải quyết định nới lỏng các biện pháp cách ly, theo chừng mực mà tình hình cho phép.

Mặc dù vậy, giáo sư Garan cũng cho rằng, có thể chỉ số tín nhiệm không phải là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc thông qua quyết định nới lỏng cách ly, nhưng những khó khăn về kinh tế hiện nay chắc chắn là yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định của Chính phủ.

Còn Thứ trưởng Bộ Y tế Ucraina - Cục trưởng Cục Vệ sinh dịch tễ Victor Lyashko thì phủ nhận mọi liên quan của vấn đề chỉ số tín nhiệm đối với quyết định nới lỏng cách ly của Chính phủ Ucraina. Ông khẳng định, yếu tố quan trọng nhất ở đây là chỉ số lây nhiễm và khả năng ứng phó của hệ thống y tế. Mọi quyết định nới lỏng các biện pháp hạn chế, cho phép phục hồi hoạt động các lĩnh vực kinh tế, đều phụ thuộc vào tình hình diễn biến dịch bệnh trong nước.

Thứ trưởng nhấn mạnh, nhiệm vụ hết sức nặng nề của Chính phủ Ucraina hiện nay là làm thế nào để khôi phục hoạt động kinh tế mà không xảy ra bùng phát dịch bệnh, vì đó là kịch bản không thể bỏ qua khi nới lỏng các biện pháp hạn chế xã hội. Ông tuyên bố, một khi dịch bệnh lây lan mạnh, chính quyền sẽ buộc phải thắt chặt trở lại chế độ cách ly. Cơ chế cách ly cục bộ hiện nay vẫn cho phép Chính phủ Ucraina làm việc này.

Theo TTQH


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN