Người Việt Odessa
Tin Tức

Chính sách của Nga và SNG đối với người nước ngoài và một số tác động tới cộng đồng người Việt Nam

Thứ năm, 05/11/2020 | 09:41
Ngày 31/10, tại Tp. Vinh, nguyên Đại sứ VN tại Ucraina Nguyễn Minh Trí đã tham dự Hội thảo quốc gia: “Chính sách của Nga và SNG đối với người nước ngoài và một số tác động tới Cộng đồng người Việt Nam”. Người Việt Odessa xin trân trọng giới thiệu bài viết của Ths. Trần Thị Khánh Hà về Hội thảo này.

HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA:

 

“CHÍNH SÁCH CỦA NGA VÀ SNG ĐỐI VỚI NGƯỜI NƯỚC NGOÀI

VÀ MỘT SỐ TÁC ĐỘNG TỚI CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT NAM”

Ths. Trần Thị Khánh Hà

Viện Nghiên cứu Châu Âu

 

Ngày 31/10/2020, tại Tp. Vinh, Nghệ An đã diễn ra Hội thảo quốc gia với chủ đề: “Chính sách của Nga và SNG đối với người nước ngoài và một số tác động tới Cộng đồng người Việt Nam”trong khuôn khổ đề tài khoa học và công nghệ theo Nghị định thư: Cộng đồng người Việt Nam tại Liên bang Nga và SNG, Mã số NĐT.72.RU/19, do Viện Nghiên cứu Châu Âu, Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam chủ trì phối hợp với trường Đại học Vinh tổ chức. Tham dự Hội thảo, về phía đại diện lãnh đạo tỉnh Nghệ An có: ông Trần Văn Mão (Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An); ông Nguyễn Đức Thành (Phó Chủ tịch mặt trận tổ quốc Nghệ An); ông Trần Khánh Thục – Phó giám đốc phụ trách Sở Ngoại vụ Tỉnh Ủy Nghệ An; ông Nguyễn Hồng Kỳ - Phó chủ tịch Hội Liên hiệp tổ chức hữu nghị tỉnh Nghệ An; GS.TS. Nguyễn Công Khanh (Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Việt – Nga); PGS.TS. Nguyễn Cảnh Phú (Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Vinh; ông Hồ Xuân Hợp – Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Nghệ An …

Về phía trường Đại học Vinh có GS.TS. Nguyễn Huy Bằng - Hiệu trưởng trường Đại học Vinh; TS. Trần Bá Tiến - Phó hiệu trưởng; TS. Đinh Ngọc Thắng - Trưởng Khoa Luật; TS. Đinh Văn Liêm – Phó trưởng Khoa Luật.

Hội thảo còn có sự hiện diện của các khách mời: TS. Nguyễn Minh Trí - Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ucraina; PGS.TS.Lê Thanh Bình- Học viện Ngoại giao, nguyên Tham tán Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Na Uy; PGS.TS. Nguyễn Cảnh Toàn - Đại học Thăng Long.

Về phía Viện Nghiên cứu Châu Âu có PGS.TS. Đặng Minh Đức - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Âu, PGS.TS. Nguyễn An Hà - Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Châu Âu, cùng đông đảo các nhà nghiên cứu, giảng viên của hai bên.

Sau phát biểu chào mừng của TS. Trần Bá Tiến, Phó hiệu trưởng Đại học Vinh, PGS.TS. Đặng Minh Đức – Chủ nhiệm đề tài đã phát biểu dẫn đề, nêu rõ mục đích, ý nghĩa và đối tượng nghiên cứu của dự án khoa học này. Ông Đức nhấn mạnh: Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của dân tộc Việt Nam; Đảng và Nhà nước Việt Nam rất quan tâm tới sự phát triển và đánh giá cao khả năng đóng góp của Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vào sự phát triển của quê hương đất nước cũng như nước sở tại, coi đây là nguồn vốn quý báu cho sự nghiệp xây dựng đất nước. Nghị quyết số 36 - NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 26/3/2004 đã thể hiện bước đổi mới tư duy và sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước tới người Việt Nam ở nước ngoài. Nhà nước Việt Nam khuyến khích và tạo điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước, đồng thời là cầu nối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước sở tại”.

Cộng đồng người Việt Nam ở các nước thuộc Liên Xô (cũ) được hình thành chủ yếu từ những người sang đây theo đường hợp tác lao động, học tập, du lịch, thăm thân... Đây là cộng đồng người Việt lớn, có tiềm năng trí tuệ, có tính tổ chức cao, tinh thần đoàn kết tốt, luôn giữ mối quan hệ gắn bó chặt chẽ và góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Cộng đồng người Việt Nam ở LB Nga, Ucraina, Belarus và các nước thuộc khu vực Liên Xô (cũ) chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực thương mại, buôn bán nhỏ, một số ít thành lập các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, may mặc, dịch vụ và xây dựng... Phần đông bà con có cuộc sống ngày càng ổn định và hòa nhập sâu rộng vào xã hội nơi cư trú, có vị trí nhất định trong đời sống kinh tế - chính trị - xã hội ở nước sở tại, góp phần củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống giữa các nước đó với Việt Nam. Người Việt Nam thành đạt ở Nga, Ucraina và các SNG trở về đầu tư trong nước, nhiều doanh nghiệp đã thành công, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam, một số doanh nghiệp trở lại đầu tư vào địa bàn. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ người Việt Nam đang sinh sống ở khu vực này vẫn trong tình trạng cư trú ngắn hạn, chưa được định cư dài hạn hợp pháp, dễ rơi vào tình trạng cư trú bất hợp pháp, lao động và di cư trái phép, buôn bán phi pháp, tham gia các vụ buôn ma tuý, buôn bán người…làm ảnh hưởng không nhỏ tới Cộng đồng người Việt Nam đang làm ăn và sinh sống tại đây.

Hội thảo chia thành hai phiên, tập trung phân tích, thảo luận các vấn đề, như:

  1. Chính sách và điều chỉnh chính sách về lao động, di cư, kinh tế và đầu tư của LB Nga, Ucraina và Belarus và những tác động tới Cộng đồng người Việt Nam;
  2. Tính pháp lý của Cộng đồng người Việt Nam ở LB Nga, Ucraina và Belarus và chính sách bảo hộ công dân của Việt Nam ở các quốc gia này;
  3. Mối quan hệ, đặc trưng gắn kết và hội nhập kinh tế - văn hoá - xã hội của Cộng đồng người Việt Nam tại LB Nga, Ucraina và Belarus;
  4. Vai trò và đóng góp của Cộng đồng người Việt Nam ở LB Nga, Ucraina và Belarus với nước sở tại và đối với quê hương trong bối cảnh hiện nay và một số giải pháp;

Phiên 1: “Chính sách của LB Nga đối với người nước ngoài và một số tác động tới Cộng đồng người Việt Nam”; chủ toạ PGS.TS. Đặng Minh Đức, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Âu và TS. Đinh Ngọc Thắng, Trưởng Khoa Luật – Đại học Vinh với các báo cáo: PGS. TS. Nguyễn Cảnh Toàn (Đại học Thăng Long): “Cộng đồng người Việt – Một bộ phận của xã hội Nga”; PGS.TS. Lê Thanh Bình (Học viện Ngoại giao): “Quan hệ đặc trưng gắn kết và hội nhập kinh tế - văn hoá – xã hội của cộng đồng người Việt Nam đối với nước sở tại”; Ths. Trần Thị Khánh Hà (Viện Nghiên cứu Châu Âu): “Sinh kế chợ của người Việt tại Matxcơva”. Các báo cáo đã làm rõ lịch sử hình thành và phát triển, quá trình hội nhập và những thách thức mà cộng đồng người Việt tại Nga phải đối mặt. Cộng đồng người Việt Nam tại Nga chịu nhiều tác động từ các chính sách của LB Nga (về quản lý hộ khẩu, visa, định cư, thuế, đầu tư…), từ những biến động kinh tế, chính trị, xã hội của Nga, từ khủng hoảng Ucraina năm 2014 và gần nhất là đại dịch Covid-19… Mặc dù tiến trình gắn kết, hội nhập vẫn đang diễn ra không ngừng nhưng vẫn còn nhiều hạn chế tồn tại trong mối quan hệ Việt - Nga (nhất là các chính sách quản lý hộ khẩu, visa, định cư, thuế, chính sách đầu tư...), đòi hỏi một nỗ lực lớn đến từ cộng đồng và cả sự phối hợp tháo gỡ từ chính phủ hai nước để quá trình được thuận lợi trong tương lai.

Phiên 2: “Chính sách của Ucraina đối với người nước ngoài và một số tác động tới Cộng đồng người Việt Nam”, do PGS.TS. Nguyễn An Hà – Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Châu Âu và PGS.TS. Nguyễn Cảnh Toàn đồng chủ toạ, các diễn giả gồm: TS. Nguyễn Minh Trí (Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ucraina) với tham luận: “Cộng đồng người Việt Nam ở Ucraina: Quá trình hình thành và phát triển”; Ths. Phan Anh Dũng (Viện Nghiên cứu Châu Âu): “Luật định cư của Ucraina và tác động của nó đến cộng đồng người Việt Nam tại nước này”; Ths. Lê Thị Kim Oanh (Viện Nghiên cứu Châu Âu): “Một số điều chỉnh chính sách di cư của Ucraina”.

Phát biểu tham luận tại Hội thảo, TS. Nguyễn Minh Trí đã khái quát lịch sử người Việt Nam có mặt tại Ucraina, quá trình hình thành và phát triển của các tổ chức cộng đồng người Việt Nam (CĐNVN) ở Ucraina. Ông nhận xét: CĐNVN ở Ucraina có lực lượng nòng cốt chủ yếu là trí thức, sinh viên, lưu học sinh được đào tạo tốt tại Liên xô cũ, các cán bộ lãnh đạo của các đơn vị học sinh học nghề và lao động trước đây, có hiểu biết sâu sắc về ngôn ngữ, văn hóa Ucraina, có tính năng động cao, ngày càng mạnh lên về tiềm lực kinh tế, đặc biệt có tinh thần đoàn kết chặt chẽ, có nhận thức chính trị tốt và tính tổ chức cao, có đội ngũ cán bộ cốt cán nhiệt tâm và khả năng vận động quần chúng tốt… Nhờ đó người Việt không ngừng nâng cao được hình ảnh, vị thế của mình và có ảnh hưởng nhất định đối với chính quyền và người dân nước sở tại. Theo TS. Nguyễn Minh Trí, việc Việt Nam và Ucraina thỏa thuận thiết lập quan hệ ngoại giao và mở Đại sứ quán (ĐSQ) tại Thủ đô hai nước (1992) đã mở ra một giai đoạn mới với những điều kiện vô cùng thuận lợi cho sự phát triển của tổ chức CĐNVN tại Ucraina. Từ thời điểm đó khái niệm CĐNVN tại Ucraina mang đầy đủ nội hàm và ý nghĩa của cụm từ này. Công tác cộng đồng (CTCĐ) luôn được ĐSQ Việt Nam tại Ucraina quan tâm và là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Cơ quan đại diện (CQĐD) tại đây.

Chính sách của Nga và SNG đối với người nước ngoài và một số tác động tới cộng đồng người Việt Nam

TS. Nguyễn Minh Trí - nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ucraina với tham luận: “Cộng đồng người Việt Nam ở Ucraina: Quá trình hình thành và phát triển"

Trên cơ sở phân tích quá trình hình thành, nội dung hoạt động của các tổ chức CĐNVN tại Ucraina, đánh giá sâu sắc và toàn diện tác động của tình hình Ucraina và khu vực những năm qua cũng như chính sách đối nội, đối ngoại của sở tại đối với CĐNVN tại đây, TS. Nguyễn Minh Trí đã đề xuất một số nhóm giải pháp liên quan CTCĐ và BHCD, như: 1/ Ngoại giao – chính trị; 2/ Hỗ trợ pháp lý và thủ tục lãnh sự, bảo đảm ANCĐ; 3/ Thông tin tuyên truyền; 4/ Công tác Đảng, hội, đoàn, thanh thiếu niên;  5/ Văn hóa – giáo dục; 6/ Đấu tranh chống di cư bất hợp pháp; 7/ Công tác cộng đồng của CQĐD Việt Nam ở sở tại; 8/ Tăng cường phối hợp công tác giữa các bên liên quan trong CTCĐ; 9/ Tăng cường kinh phí cho CTCĐ và BHCD, trong đó có thực hiện chế độ đối với những cán bộ làm CTCĐ ở cơ sở… 

Từng có thời gian tương đối dài làm việc tại Ucraina và trực tiếp tham gia công tác cộng đồng, TS. Nguyễn Minh Trí nhận xét: “Một phần tư thế kỷ từ khi những người Việt Nam ở Ucraina với định hướng và đồng hành của CQĐD Việt Nam tại Ucraina bắt đầu tìm đến tổ chức của mình – Cộng đồng người Việt Nam tại Ucraina. Họ đã và đang làm điều đó, trong những hoàn cảnh vô cùng đặc biệt, trước hết vì tình nước non – dân tộc Việt và nghĩa đồng bào con Lạc cháu Hồng. Con đường dựng xây và phát triển tổ chức ở nơi xa Tổ quốc thật lắm chông gai, trắc trở, có cả máu xương và nước mắt, nhưng thấm đậm tính nhân văn, đầy sáng tạo, hiệu ứng lan tỏa và ghi nhận nhiều thành tựu to lớn rất đáng tự hào. Đoàn kết đã làm nên một Cộng đồng Việt tại Ucraina. Và chính Cộng đồng Việt tại Ucraina đã góp phần phát huy phẩm chất đoàn kết của dân tộc Việt. Triết lý cộng đồng và tư tưởng đoàn kết mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc và giá trị thực tiễn lớn lao đã đi vào nếp sống, nếp suy của mỗi thành viên cộng đồng như một lẽ tự nhiên, làm cho Cộng đồng người Việt Nam ở Ucraina trở thành một thành quả, một giá trị, một phẩm chất chung cần được giữ gìn và phát triển” .

Những tham luận và ý kiến thảo luận tại Hội thảo rất sôi nổi, đa chiều cho thấy vấn đề người Việt Nam ở các nước thuộc Liên Xô (cũ) thu hút sự quan tâm rất lớn của xã hội, trong đó có những nhà khoa học. Trên cơ sở soi chiếu vấn đề từ những bình diện khác nhau, mở rộng nghiên cứu và điều tra xã hội học, đánh giá tác động đa chiều từ tình hình trong nước ta và sở tại …, các nhà khoa học và chuyên gia sẽ đưa ra dự đoán về xu hướng phát triển của cộng đồng người Việt tại địa bàn và những đề xuất, kiến nghị nhằm giúp các cơ quan hoạch định và thực thi chính sách giúp người Việt Nam tại LB Nga, Ucraina và các nước thuộc Liên Xô (cũ) tiếp tục củng cố và tăng cường các tổ chức cộng đồng, ổn định cuộc sống, hòa nhập sâu rộng với xã hội sở tại, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt, góp phần phát triển Tổ quốc Việt Nam và đất nước mình đang sinh sống. Đấy là mục đích, tư tưởng, hướng đi, tình cảm và trách nhiệm của những người thực hiện Nghị định thư và tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia: “Chính sách của Nga và SNG đối với người nước ngoài và một số tác động tới Cộng đồng người Việt Nam”. Để đề tài thực sự mang lại giá trị khoa học và thực tiễn, Ban chủ nhiệm đề tài mong muốn đại diện cộng đồng người Việt Nam tại địa bàn tham gia đóng góp ý kiến.