Người Việt Odessa
Tin trong nước

Nhạc sĩ Hồng Đăng “có lỗi” khi Hà Nội “khổ” vì... hoa sữa?

Thứ ba, 05/12/2017 | 12:33
Bài hát “Hoa sữa” của nhạc sĩ Hồng Đăng với những ca từ lãng mạn như: “Em vẫn từng đợi anh/Trên những chặng đường quen/Tiếng hát ai xao động/Thoáng mùi hoa êm đềm…” hay “Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm/Có lẽ nào anh lại quên em” trải qua gần 40 năm vẫn làm thổn thức trái tim người yêu nhạc. Tuy nhiên thực tế, cứ vào thời điểm này, Hà Nội lại “khốn khổ” vì mùi hương quá đậm đặc. Nhiều người còn “đổ lỗi” cho nhạc sĩ Hồng Đăng vì cho rằng ông sáng tác thiếu thực tế, hoặc vì ca khúc ấy mà Hà Nội mới trồng... đồng loạt hoa sữa.
Nhạc sĩ Hồng Đăng “có lỗi” khi Hà Nội “khổ” vì... hoa sữa?

Nhạc sĩ Hồng Đăng. Ảnh: TL

Nhạc sĩ lại nói về hoa sữa

Năm 1978, trong bộ phim “Hà Nội mùa chim làm tổ” của đạo diễn Đức Hoàn, ca khúc “Hoa sữa” đã vang lên và trở thành nỗi xúc động của rất nhiều khán giả. Chia sẻ cùng chúng tôi, nhạc sĩ Hồng Đăng cho biết, đạo diễn phim đã đặt riêng ông sáng tác ca khúc cho phim. Khi đang loay hoay chưa tìm ra ý tưởng thì nhạc sĩ có trò chuyện với một nhà thơ, được nghe kể về mùi hoa sữa nồng nàn, chỉ qua cuộc hội thoại ngắn, ông đã viết ca khúc “Hoa sữa” rất nhanh.

Chúng tôi hỏi nhạc sĩ Hồng Đăng về chuyện nhiều người đang kêu ca mùi hoa sữa, thậm chí “chế” cả hình ảnh, ca từ trong ca khúc của ông làm minh họa cho những lời đả kích, cảm xúc nhạc sĩ thế nào? Nhạc sĩ Hồng Đăng cho biết: “Tôi nghĩ, cái gì cũng cần vừa đủ, nhiều quá hay ít quá đều không hay. Chúng ta hãy trồng hoa sữa đủ để hương hoa thơm man mác lan tỏa theo chiều gió chứ không phải trồng dày đặc khiến mọi người cảm thấy khó chịu”.

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội về cuộc “đổ bộ” của mùi hương hoa sữa, GS.TSKH Trần Đình Long - Chủ tịch Hội Giống, cây trồng Việt Nam nhận định: “Cây hoa sữa không có lỗi. Các nhạc sĩ, nhà thơ ca ngợi mùi hương hoa sữa cũng chẳng có lỗi. Lỗi ở đây là do quy hoạch. Theo quy định, cây hoa sữa phải trồng cách nhau tối thiểu là 50m, tùy tình hình thực tế, có thể còn phải giãn khoảng cách đến mức cả đường phố chỉ có một cây và cây ấy không được trồng gần khu dân cư. Tuy nhiên thực tế, ở Hà Nội và một số tỉnh thành, hoa sữa đang được trồng với mật độ quá dày, có chỗ chỉ 2-3m đã thấy một cây. Thế thì người dân kêu ca, khiếp sợ là phải”.

GS.TSKH Trần Đình Long đề xuất, giải pháp đơn giản và nhanh gọn nhất bây giờ là chặt hạ, đánh tỉa hoa sữa ở các tuyến phố, chỉ để lại một số ít cây trong sự tính toán hợp lý về chuẩn khoảng cách. Tuy nhiên, GS.TSKH Trần Đình Long lưu ý thêm, hoa sữa vẫn có những giá trị riêng của nó nên đừng “tận diệt”. Ông dẫn chứng thêm, ở TP Quy Nhơn (Bình Định), năm 2015 đã đồng loạt trồng hơn 4.000 cây hoa sữa. Sau đó, vào mùa hoa, người dân phản đối dữ dội, thành phố đã chặt bỏ hơn 3.000 cây. Còn ở TP Đà Nẵng, việc trồng hoa sữa lại được người dân ủng hộ vì quy hoạch trồng ở khu vực vành đai với mục đích át mùi hôi từ trạm xử lý nước thải Thọ Quang đang “tấn công” khu dân cư trước khi thành phố có giải pháp mới.

Hoa sữa vẫn còn giá trị…

Sẽ không quá lời nếu nhận định rằng, không có ca khúc “Hoa sữa” của nhạc sĩ Hồng Đăng thì chẳng mấy ai để ý đến một loài hoa có vẻ ngoài thầm lặng. Chỉ đến khi Hà Nội quá “nồng nàn” vì hương hoa sữa thì người dân mới bắt đầu kêu ca. Vậy hoa sữa có còn giá trị với thành phố ngàn năm tuổi này? Trao đổi với các nhạc sĩ, nhà thơ, chúng tôi nhận được những lời khẳng định: Hoa sữa vẫn còn giá trị, nhưng giá trị ấy chỉ được bảo toàn và đánh thức được những cảm xúc tích cực khi thành phố có quy hoạch trồng cây hợp lý. Không riêng gì trong sáng tác của nhạc sĩ Hồng Đăng, hình ảnh hoa sữa đã đi vào nhiều tác phẩm nổi tiếng khác, trong đó có tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái hoặc “Mùa hoa sữa về thơm từng cơn gió/ Mùa cốm xanh về thơm bàn tay nhỏ” trong nhạc Trịnh Công Sơn.

Bỏ qua những hàng hoa sữa được trồng mới, mật độ dày đặc và cho mùi hương đến “khiếp sợ” thì ở Hà Nội, có những đường phố như: Nguyễn Du, Thụy Khuê, Quán Thánh… với những cây hoa sữa cổ thụ, tán lá và hoa tít trên cao, gió đưa hương lên trời, lan tỏa lãng đãng trong không khí lại trở thành nỗi nhớ của nhiều người đi xa Thủ đô. Điểm lại, hầu hết các tác phẩm văn học nghệ thuật có nhắc tới hoa sữa Hà Nội đều là tác phẩm hay, được công chúng yêu mến.

 

Nhạc sĩ Hồng Đăng tâm sự, những ngày qua, giữa mùa hoa sữa đang gây bức xúc, tranh cãi, rất nhiều nhà báo đã tìm đến ông để hỏi chuyện. Dù biết mình không liên quan đến nỗi bức xúc kia mà vẫn bị “trách móc”, “làm phiền” nhưng ông không buồn bực mà nghĩ câu chuyện này cũng là một kỷ niệm trong cuộc đời sáng tác của mình. Tác giả ca khúc “Hoa sữa” bày tỏ, nhiều người cứ nhắc đến ông là nhắc đến ca khúc này bởi họ có dấu ấn đặc biệt với những ca từ, giai điệu trong bài hát và kỷ niệm với Hà Nội. Có bao người đi xa Thủ đô vẫn nhớ về hồi ức của từng căn gác nhỏ, thoang thoảng mùi hoa sữa trong đêm cùng những năm tháng tuổi trẻ như nhà thơ Xuân Quỳnh từng viết: “Em có đem gì theo đâu/Em để lại cho anh tất cả/Bóng cây thưa đường Quang Trung/ Phố Nguyễn Du nồng nàn hoa sữa”.

Nhạc sĩ Hồng Đăng hóm hỉnh chia sẻ, không phải đến bây giờ số phận ca khúc “Hoa sữa” mới trở nên đặc biệt khi bị “trách móc” vì hương thơm quá đậm đặc. Trước đó, xung quanh ca khúc này đã có nhiều câu chuyện đặc biệt. Ngoài chuyện ông sáng tác qua lời kể của một nhà thơ mà chưa biết “mặt mũi” loài hoa sữa thì sau bộ phim của đạo diễn Đức Hoàn, cả chục năm sau bài hát vẫn chưa được phổ biến trên sân khấu. Đặc biệt, vào giữa và cuối của thập niên 80, hai chị em ca sĩ Bảo Yến - Nhã Phương không biết bằng cách nào mà từ trong TPHCM có được bản nhạc và đã “làm mưa làm gió” trên sân khấu phía Nam. Ca sĩ Nhã Phương hát xong mới có hệ thống băng đĩa ghi bài hát, được phát hành bán chạy quay ngược trở lại ra Bắc thì ca sĩ Thanh Hoa bắt đầu hát, sau này là các ca sĩ Hồng Nhung, Thanh Lam…

Thành Nam - giadinh.net


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN