Người Việt Odessa
Tin Ucraina-Nga

Ucraina và 2 cuộc chiến luẩn quẩn

Thứ tư, 10/06/2015 | 04:12
Phương Tây và Nga đã dạy Ucraina một bài học về cách sinh tồn giữa những cường quốc. Tình hình hiện nay cho thấy sai lầm của "giấc mơ Châu Âu" tại Ucraina và họ cần quay lại chính sách cân bằng trước đây thay vì quá phụ thuộc vào Phương Tây như hiện nay.

Hai cuộc chiến luẩn quẩn

Ucraina đang bị kẹp giữa 2 cuộc chiến. Một bên là cuộc xung đột với lực lượng ly khai miền Đông thân Nga. Bên kia là trận chiến định hình lại nền kinh tế, hiện đang phải vật lộn với tình trạng tham nhũng và quản lý yếu kém. Cả hai cuộc chiến này của Ucraina đều có sự tham gia của những cường quốc như Nga, Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU), vì vậy tình hình càng trở nên phức tạp và khó giải quyết hơn.

Ucraina và 2 cuộc chiến luẩn quẩn

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ucraina Petro Poroshenko

Mặc dù Phương Tây đã viện trợ khoảng 40 tỷ USD cho Ucraina nhưng lại đi kèm với những điều kiện khắc nghiệt. Thêm vào đó, những vấn đề trong nội bộ nước Mỹ và EU đã khiến Phương Tây không thể tập trung thực hiện lời hứa “biến đổi” Ucraina như người dân nước này mong đợi.

Chính quyền Kiev đã ban hành một loạt các biện pháp không được lòng dân, như giảm trợ giá khí đốt và nhượng bộ quá nhiều với các điều khoản của chủ nợ Phương Tây để nới lỏng điều kiện tín dụng cho Ucraina. Hậu quả là gần đây, hàng nghìn người Ucraina đã xuống đường biểu tình tại thủ đô Kiev yêu cầu chính phủ cải tổ. Đây quả là một cú sốc đối với chính phủ Ucraina hiện nay bởi cũng từ những cuộc biểu tình mà họ có thể lên nắm quyền vào năm 2014.

Xung đột quân sự ở miền Đông Ucraina đã hủy hoại nhiều ngành công nghiệp của nước này, như khai thác than, sản xuất thép, chế tạo máy. Nền kinh tế nước này suy giảm 7% trong năm 2014 và ngân hàng trung ương Ucraina dự đoán nước này sẽ chưa tăng trưởng trở lại cho đến năm 2016. Tình trạng suy yếu của nền kinh tế đã khiến đồng Hryvnia trở thành đồng tiền mất giá mạnh nhất thế giới, qua đó càng gây khó khăn cho chính phủ Kiev trong việc trả nợ.

Ucraina và 2 cuộc chiến luẩn quẩn

Tăng trưởng GDP của Ucraina

Hiện nay, nợ đang là vấn đề mấu chốt đối với Ucraina trong ngắn hạn. Quốc gia này đang nợ 23 tỷ USD đối với các chủ nợ nước ngoài và không đủ khả năng thanh toán nếu không được gia hạn thêm. Trong trường hợp không có thỏa thuận mới nào được ký kết trước ngày đáo hạn 23/9/2015, Ucraina sẽ vỡ nợ.

Bên cạnh đó, nước này cũng đang nợ 3 tỷ USD từ Nga và có khả năng bị kiện ra tòa án quốc tế nếu không thanh toán đúng hạn.

Tình hình tại Ucraina đang là một vòng luẩn quẩn giữa 2 cuộc chiến. Chừng nào Ucraina chưa giải quyết triệt để được những thách thức trong nền kinh tế thì chính quyền Kiev không đủ sức giải quyết tình hình ở miền Đông.

Chính phủ không thể hỗ trợ quân đội nếu không có đủ tài chính, người dân cũng không nghe theo Tổng thống đương nhiệm Petro Poroshenko khi ông chưa thực hiện được lời hứa của mình. Điều này khiến cuộc xung đột với quân ly khai càng thêm khó khăn.

Trong khi đó, để thu hút thêm nhà đầu tư vào Ucraina, chính quyền Kiev cần thuyết phục rằng tình hình đã ổn định khi quân đội vẫn đóng tại miền Đông. Các cuộc giao tranh nhỏ lẻ vẫn tiếp diễn bất chấp những lời kêu gọi ngừng bắn của nhiều bên. Hậu quả là không có nhiều dòng vốn đầu tư vào nước này, khiến công cuộc cải tổ kinh tế ngày càng khó khăn.

Ucraina và 2 cuộc chiến luẩn quẩn

Cam kết hay lời nói dối

Ucraina chịu ảnh hưởng đan xen giữa Nga và Châu Âu, nhưng thành viên Liên Xô cũ với dân số 44 triệu dân này thường có xu hướng nghiêng về Điện Kremlin. Phía Nga cũng giành nhiều ưu đãi cho Ucraina với nhiều giao dịch thương mại giữa 2 nước cũng như chính sách ưu đãi về khí đốt.

Ucraina và 2 cuộc chiến luẩn quẩn

Đến năm 2004, các nhà lãnh đạo mới thân Phương Tây của nước này lên nắm quyền thông qua phong trào biểu tình bất bạo động, hay còn gọi là cuộc Cách mạng Cam, với nhiều lời hứa thay đổi. Tuy nhiên, họ đã làm người dân thất vọng khi không thể đưa Ucraina đến gần với mức sống Châu Âu.

Thay vào đó, chính quyền lúc đó bị kiểm soát bởi những phe phái doanh nhân, tỷ phú. Những nhà chính trị lớn tại Ucraina lại là các ông chủ điều hành doanh nghiệp lớn nhất đất nước và họ thường đại diện cho những xung đột phe phái trong nghị viện.

Năm 2014, một cuộc biểu tình mới với sự tham gia của Phương Tây đã lật đổ Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych. Các nhà lãnh đạo mới lên nắm quyền với những hứa hẹn hiện đại hóa ngành năng lượng, cải tổ hệ thống pháp lý và chống tham nhũng. Tuy nhiên, tình hình tại quốc gia này lại càng tồi tệ hơn với cuộc xung đột tại miền Đông, nền kinh tế suy yếu và tranh chấp về khí đốt với Nga.

Tham nhũng diễn ra tràn lan tại Ucraina, nước này đứng thứ 142/175 trong cuộc khảo sát hàng năm của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI). GDP bình quân đầu người tại đây thấp hơn so với những nước Đông Âu.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gần đây đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2015 của Ucraina xuống -9% và nâng dự báo lạm phát cả năm lên 46%. Bất chấp khoản viện trợ 17,5 tỷ USD, tình hình tại Ucraina vẫn chưa có dấu hiệu khả quan.

Học cách cân bằng

Con đường đi đến độc lập về tăng trưởng kinh tế và năng lượng như “lời hứa” của các nhà lãnh đạo mới tại Kiev ngày càng khó khăn. Kế hoạch giảm thâm hụt ngân sách do chi tiêu cho năng lượng vấp phải cản trở từ phía Nga do bất đồng về giá khí đốt. Hơn nữa, chính sách giảm trợ giá năng lượng của chính phủ cũng không được lòng dân.

Chính quyền Kiev cũng cam kết truy tố các quan chức tham nhũng, nhưng tình trạng này hiện vẫn tràn lan. Trong khi đó, lạm phát tháng 4/2015 đã tăng 60%, tiền lương và lương hưu của người dân chưa được chi trả.

Tỷ phú George Soros ước tính Ucraina cần khoảng 55 tỷ USD đầu tư để có thể phát triển kinh tế trở lại. Tuy nhiên, dòng tiền lại đang di chuyển theo hướng ngược lại. Riêng trong năm 2014, đã có 299 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) rút khỏi thị trường này.

Theo các chuyên gia, việc Ucraina cố gắng thoát khỏi sự phụ thuộc vào khí đốt Nga bằng những động thái cứng rắn là không khôn ngoan. Cuối cùng, chính quyền Kiev vẫn phải nhượng bộ Điện Kremlin bởi họ không có lựa chọn nào khác.

Ngoài ra, quyết định tăng cường hợp tác kinh tế, quân sự nhằm tiến tới hội nhập chặt chẽ hơn với EU hoàn toàn đi ngược với mong muốn bình ổn miền Đông của người dân nước này. Thỏa thuận ngừng bắn đạt được gần đây đã bị xáo trộn bởi các cuộc giao tranh giữa những binh đoàn độc lập thân Phương Tây của Ucraina, đã chống lại mệnh lệnh từ chính quyền Kiev, với quân ly khai miền Đông.

Ucraina và 2 cuộc chiến luẩn quẩn

Nhiều chuyên gia nhận định rằng Ucraina đang trở thành nạn nhân của sự xung đột giữa Phương Tây và Nga. Trong nhiều năm qua, việc Hiệp ước Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) bành trướng đến gần lãnh thổ Nga đã khiến Điện Kremlin không hài lòng. Động thái sáp nhập bán đảo Crimea và xung đột tại Ucraina là đỉnh điểm của sự bất bình từ chính quyền Moscow trước những hành động khiêu khích của Phương Tây.

Do đó, con đường phía trước của người dân Ucraina vẫn còn nhiều trắc trở và phức tạp. Chính quyền Kiev không thể tự giải quyết một mình và cần sự giúp đỡ từ nhiều phía. Đặc biệt, họ cần học được cách cân bằng ảnh hưởng giữa Nga và Phương Tây, nếu muốn tồn tại và sinh sống hòa bình giữa những cường quốc láng giềng như vậy.

Hoàng Nam - Người đồng hành


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN