Người Việt Odessa
Tin Ucraina-Nga

Số phận đồng tiền grivna và thực trạng hệ thống tài chính của Ukriane

Thứ ba, 17/12/2013 | 06:49
Bất cứ cuộc khủng hoảng chính trị nào cũng ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế.Trong bối cảnh đối đầu, biểu tình triền miên, mất định hướng của chính sách đối ngoại thì một câu hỏi lớn được đặt đối với người dân Ukraine và cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống ở đây là thực trạng hệ thống tài chính nói chung tỷ giá đồng tiền quốc gia nói riêng.



Vì vậy chúng ta thử cùng quan sát và phân tích một số điểm chính. Những sự kiện đang xảy ra làm chúng ta liên tưởng đến khủng hoảng kinh tế Ukraine năm 2008, hiển nhiên lúc đó nguyên nhân chính là khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhưng cộng hưởng với khủng hoảng chính trị, căng thẳng vấn đề ga với Nga, thâm hụt ngân sách quốc gia đã dẫn đến khủng hoảng nghiêm trọng hệ thống tài chính, đồng grivna rớt giá từ 5UAH/1$ đến đỉnh điểm 10 UAH/1$, sau đó hơi hồi lại và đứng ở mức 8 UAH/1$.

Hay tồi tệ hơn nữa nếu ta nhìn sang nước láng giềng Belarus năm 2011, lúc đó chính phủ tăng lương đột biến cho nhân dân trước khi bầu cử tổng thống 2010, cán cân thương mại mất cân đối, cộng với những chi phí lớn cho bộ máy hành chính đã dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng, đồng rúp của Belarus mất giá từ 3000 Br/1$ đến 8500 Br/1$.

Tất nhiên năm 2014 sẽ khác với năm 2008, Ukraine không phải là Belarus nhưng nếu nhìn vào nguyên nhân thì ta thấy nhiều điểm tương đồng. Mặc dù đồng grivna tuy có xuống thấp nhất kể từ 2009 ở mức trên 8,30 UAH/ 1$ và sau đó Ngân hàng Nhà nước (NBU) đã có những biện pháp giữ giá nhưng chúng ta vẫn phải nhìn sâu hơn vào thực trạng hệ thống tài chính Ukraine để lường các diễn biến có thể xáy ra.

Các nguy cơ chính của hệ thống tài chính Ukraine :

1. Dự trữ ngoại hối nhà nước thâm hụt nghiêm trọn

Trong vòng 4 năm từ 1/2010 dự trữ ngoại hối nhà nước giảm từ 25,285 tý $ xuống đến mức báo động 18,791 tỷ $ vào 11/2013. Trong đó chỉ khoảng hơn 8 tỷ có tính thanh khoản tức thì, còn hơn 10 tỷ dưới dạng giấy tờ, trái phiếp..., tức là chính phủ phải mang đi bán mới thu được tiền vào. Vì những mục đích chính trị nên chính phủ phải cố tạo ra bề mặt ổn định của đồng grivna và hàng ngày NBU phải chi một số lượng lớn từ nguồn dự trữ này. Theo tính toán cứ theo nhịp độ như hiện nay thì dự trữ ngoại hối chỉ đủ cho NBU giữ giá đồng grivna đến đầu tháng 4/2014. Vì vậy phải vay được tín dụng ngay bây giờ trở thành vấn đề sống còn đối với Ukraine, ước tính cần thiết khoảng 12-15 tỷ $ .Nếu điều đó không xảy ra thì đồng grivna sẽ mất giá nghiêm trọng . Nhưng như chúng ta đã biết, Trung Quốc đã từ chối cho Ukraine vay tín dụng, còn Nga cũng như châu Âu và Quỹ tiền tệ quốc tế cũng chỉ đang dừng ở mức độ hứa và xem xét, hơn nữa sẽ kèm theo những điều kiện đối với Ukraine về chính trị và kinh tế.

2. Số lượng tiền mặt ở Ukrane tăng lên đáng kể 

Để bù vào số lượng thâm hụt , trả lương và những chi phí khác bắt buộc NBU phải tăng tốc cỗ máy in tiền , tính riêng từ đầu năm 2013 tổng số lượng tiền mặt ở Ukraine tăng lên 13,7%.

3. Các khoản nợ quốc gia của Ukraine đạt tới con số khổng lồ 68,8 tỷ $

Và số phải trả trong năm 2014 là 9,2 tỷ $. Trong đó một số lượng lớn 6 tỷ $ là trả tiền khí đốt cho Nga vì theo giá hợp đồng cao từ năm 2009.

4. Nền kinh tế đã đi xuống 5 quý liên tục và sẽ còn tiếp tục giảm sút

Theo quy luật khi nền kinh tế được bơm thêm tiền mặt, nới lỏng tỷ giá thì sẽ kích thích tăng trưởng, xuất khẩu tăng nhưng ở Ukraine thì ngược lại.

5. Lãi suất tiền gửi tiết kiệm tăng cao, lãi suất tiền cho vay giảm đi

Các ngân hàng tăng lãi suất huy động tiền gửi tiền grivna lên trên 20%, đồng USD trên dưới 10% - một trong những nước cao nhất thế giới.

Các ngân hàng không có cách nào khác để tăng thanh khoản của mình nên bắt buộc phải thu hút và giữ chân khách hàng. Nhưng lãi suất cao đang đè nặng lên sản xuất kinh doanh và hệ thống ngân hàng. Từ đầu năm 2013 tới nay các ngân hàng đã phải đóng cửa hàng loạt các chi nhánh của mình tại các tỉnh vì thua lỗ ( tổng cộng 498 chi nhánh).

Bất cứ một nhân tố nào nếu gây nên hoang mang trong dân chúng, dẫn đến đổ xô đi mua ngoại tệ, rút trước hạn tiền tiết kiệm hay chuyển sang ngoại tệ sẽ dẫn tới hậu quả khó lường cho hệ thống ngân hàng và tài chính .

6. Nạn chảy máu ngoại tệ

Hàng năm các nhà tài phiệt Ukraine chuyển một số lượng tiền lớn ra nước ngoài, chủ yếu qua các khu vực miễn thuế, các công ty cảnh ngoại (Offshore), đặc biệt là vào Cộng hòa Síp. Chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2013 đã có 6,57 tỷ $ được”đầu tư” ra nước ngoài, trong đó vào các công ty offshore của Síp chiếm đến 88,6%(5,371 tỷ $). Trong khi đó lượng đầu tư trực tiếp vào Ukraine chỉ có 1,27 tỷ $, số chênh lệch thật ấn tượng 5,3 tỷ $.

7. Các ngân hàng châu Âu đang “chạy” khỏi thị trường Ukraine

Do triển vọng phát triển kinh tế kém nên đã có 17 ngân hàng với vốn ngoại đã rút khỏi thị trường Ukraine, tính chung số vốn ngoại trong hệ thống nhà băng giảm từ 30% xuống còn 15%.

Các lối thoát cho nền kinh tế Ukraine :

1. Vay tín dụng từ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF)

Đây có lẽ là lối thoát khả thi nhất đối với Ukraine. Nhưng IMF ra những điều kiện nhất định : giảm chi cho Ngân sách quốc gia; thả lỏng đồng grivna; tăng dần giá khí đốt cho nhân dân. Nhưng trước ngưỡng cửa của cuộc bầu cử tổng thống năm 2015 thì Yanukovich sẽ không muốn có những cải cách đó vì sẽ mất lòng dân. Hơn nữa sẽ cần những cải tổ về kinh tế và chính trị.

Châu Âu có thể giúp Ukraine thỏa mãn các điều kiện trên để nhận được tín dụng, nhưng trước tiên Ukraine phải ký hiệp định hợp tác với châu Âu. Mà chúng ta đang thấy xung quang việc ký kết này tình hình chính trị của Ukraine trở nên nóng bỏng.

2. Hợp tác với Nga

Theo con đường này thì có khả năng Ukraine sẽ giảm được giá khí đốt, hoãn trả nợ một phần. Nhưng việc đó lại liên quan đến vấn đề gia nhập Liên minh Hải quan và sẽ dẫn đến đối đầu trong xã hội căng thẳng hơn. Nhưng Nga hiện nay đang giữ chính sách chờ đợi, không cho phía Ukraine một đảm bảo chắc chắn nào.

Có nguồn tin về việc Ukraine đã thỏa thuận vay được của Nga 15 tỷ $ và nhận 5 tỷ đầu tiên trong năm tới cộng với giảm giá khí đốt, nhưng đó mới chỉ là thông tin báo chí.

Chính sự không rõ ràng và nhất quán trong chính sách đối ngoại làm cho cả châu Âu và Nga thấy Ukraine như một đối tác không đáng tin cậy. Chính quyền đang mặc cả với cả hai bên nhưng “bắt cá hai tay” chưa mang lại kết quả nào mà ngược lại đang dẫn đến đối kháng và biểu tình rầm rộ.

Kết luận :

Từ một số quan sát và phân tích trên chúng ta thấy rằng hệ thống tài chính Ukraine đang trên bờ khủng hoảng nghiêm trọng, nguy cơ mất giá của đồng grivna trong năm tới rất cao. Để cứu vãn Ukraine cần ngay một lượng tín dụng lớn. Trong năm tới chính phủ có thể dùng các biện pháp hành chính để giữ giá đồng grivna trước thềm bầu cử tổng thống 2015 nhưng cần có sự ổn định về chính trị.

Lê Thái Kỳ


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN