Người Việt Odessa
Tin Ucraina-Nga

Tình hình Ukraine: Nga có cần hành binh can thiệp?

Thứ bảy, 30/08/2014 | 03:33
Tổng thống Ukraine thẳng thừng bác bỏ yêu cầu Kiev dừng các hành động quân sự vô điều kiện của Tổng thống Nga. Đã đến lúc Nga phải động binh?

Tối hậu thư của ông Putin

Tối ngày 28/8, cơ quan chuyên trách thông tin báo chí của Điện Kremlin cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát đi thông điệp yêu cầu chính quyền Kiev dừng vô điều kiện và ngay lập tức các hoạt động chiến sự ở khu vực miền Đông. Ông Putin cũng yêu cầu Kiev bắt đầu đàm phán với lực lượng Donbass trước khi xảy ra những hậu quả xấu.

Tổng thống Nga cũng đưa ra hình ảnh so sánh mà chiến dịch quân sự Kiev đang tiến hành với Donetsk, Lugansk như hành động Đức Quốc xã bao vây thành phố Leningrad thời Thế chiến II.

Đây có thể được coi là một tối hậu thư, một lời cảnh cáo rất đáng chú ý được phát đi từ Tổng thống của nước Nga. Tuy nhiên, ngay sau khi nước Nga lên tiếng, Kiev cũng khẳng định họ sẽ không dừng cuộc chiến này lại.

Tình hình Ukraine: Nga có cần hành binh can thiệp?
Pháo tự hành của quân đội Ukraine tại chiến trường miền Đông

Hội đồng An ninh quốc phòng Ukraine (SNBO) cho nhận xét về lời kêu gọi của Tổng thống Putin: "Điều này chứng tỏ lực lượng ly khai được điện Kremlin trực tiếp điều khiển và kiểm soát. Nước Nga đang xâm lược Ukraine và chúng tôi đang chiến đấu để bảo vệ đất nước chứ không phải chống khủng bố nữa."

Lời tuyên bố cứng rắn của SNBO một lần nữa đã thách thức nước Nga, khi chỉ vài ngày trước, hôm 26/8, tại cuộc hội đàm ở Minsk (Belarus), Tổng thống Poroshenko đã khẳng định sẽ có một thỏa thuận ngừng bắn giữa hai bên. Việc tiếp diễn quân sự của Ukraine được Nga cho rằng Kiev tiếp tục lừa dối, không có thiện chí và phá vỡ các thỏa thuận chính trị.

Có hay không việc quân lính Nga tham chiến

Cùng lúc đó, liên tiếp những thông tin được công bố trên truyền thông phương Tây và cả của Nga về việc nhiều quân lính nước này biến mất hoặc thậm chí đã bị gửi thi thể về nhà.

Truyền thông phương Tây đã phản ánh việc thân nhân của các binh sỹ trong đơn vị không quân số 98 đã tới căn cứ để tìm hiểu thông tin về con em họ sau khi mất liên lạc.

Lần cuối cùng họ nhận được thông tin rằng những người lính này sẽ tham gia một cuộc tập trận. 10 binh sỹ bị bắt ở Ukraine vài ngày trước cũng thuộc đơn vị này.

Thậm chí, báo chí nước ngoài còn phản ánh việc đã có nhiều xác chết được trả về gia đình. Ủy ban Mẹ binh sỹ, một mạng lưới phi chính phủ đi đầu về bảo vệ quyền lợi của các binh sỹ Nga kể từ cuộc chiến của Nga ở Chechnya hồi giữa thập niên 1990, cũng đã lên tiếng về vấn đề này.

Tình hình Ukraine: Nga có cần hành binh can thiệp?
Những bà mẹ lính Nga kêu gọi Tổng thống Putin đưa con trai trở về từ Ukraine

Bà Lyudmila Bogatenkova, người đứng đầu chi nhánh của Ủy ban Mẹ binh sỹ tại Stavropol, miền Nam nước Nga, hôm thứ Tư nói rằng, tổ chức này đang có trong tay một danh sách 400 cái tên của các binh sỹ bị thương và thiệt mạng.

Nhiều binh sỹ trong danh sách này đến từ các đơn vị bình thường vẫn đóng quân ở Chechnya và Nam Ossetia, bà Bogatenkova nói. Ngoài ra, cũng có những thông tin trên các phương tiện truyền thông về tang lễ của một số binh sỹ ở Dagestan. Nguồn của danh sách này chưa được công bố, và Bộ Quốc phòng Nga cũng chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về chuyện này.

Trong một diễn biến khác, Ella Polyakova, thành viên Hội đồng nhân quyền của điện Kremlin cho biết trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Dozhd của Nga hôm 28/8 rằng "Quân đội Nga đã phục vụ ở Dagestan có thể được trả 250.000 rúp (7.000 USD) mỗi người để tham gia vào hoạt động quân sự ở miền đông Ukraine."

Ông Polyakova cho biết, tổng số tiền 250.000 rúp không phải là một mức lương hàng tháng, mà được chi một lần. Được lĩnh số tiền này trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở Dagestan khá cao có thể là một yếu tố thúc đẩy nhiều binh lính ký hợp đồng.

Tình hình Ukraine: Nga có cần hành binh can thiệp?
Bia mộ của một binh sỹ ở Pskov. Tấm bia này đã bị gỡ bỏ sau khi các nhà báo tới nghĩa trang

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh: "Thông tin này chưa có đủ căn cứ để chứng minh thực tế quân đội Nga có tham gia vào bất kỳ hành động quân sự nào ở Ukraine hay không? Nhưng tôi phải chắc chắn một điều rằng Nga không tiến hành chiến tranh và sẽ không có hành động quân sự nào của Nga đến miền đông Ukraine”.

Những thông tin này đã dần làm sáng tỏ một sự việc rằng quân đội của Nga đã hiện diện ở miền Đông Ukraine, còn mục đích của họ ở đây là gì, có lẽ chỉ Điện Kremlin mới nắm rõ.

Đã đến lúc Nga phải tham chiến?

Việc Tổng thống Ukraine thẳng thừng phá bỏ các thỏa thuận chính trị với Nga và được EU làm chứng (hội đàm ở Minsk) đã như giọt nước làm tràn ly, bởi đây là lần thứ hai ông Poroshenko thất hứa và chọc vào sự kìm chế của Moscow. Trước đó, khi đắc cử vị trí Tổng thống và gặp mặt ông Putin ở Đức, ông Poroshenko cũng khẳng định sẽ không lựa chọn chiến tranh để giải quyết tình hình.

Song song với nghi ngờ về việc quân Nga tham chiến ở Ukraine ngày càng được phơi bày, liệu đã đến lúc nước Nga hành động để kết thúc tình hình?

Muốn trả lời được câu hỏi ấy, trước hết cần phải nhìn nhận những mặt được mất nếu Nga tham chiến. Khi quân đội tinh nhuệ và đông đảo của Nga tấn công, chắc chắn sẽ chiếm Ukraine như đi vào chỗ không người. Nhưng làm như vậy, Nga sẽ chẳng được lợi ích gì.

Tình hình Ukraine: Nga có cần hành binh can thiệp?
Tổng thống Nga Vladimir Putin

Tiêu diệt chính quyền Kiev của Poroshenko, Nga buộc phải lập ra một chính quyền thống nhất và có quan điểm thân Nga. Nhưng không có gì đảm bảo vài năm sau, vị Tổng thống mới ấy sẽ thoát được tấm gương của cựu Tổng thống Yanukovych khi bị phương Tây giật dây cho các tổ chức chính trị biểu tình lật đổ.

Trong khi giữ nguyên hiện trạng, Nga sẽ có một Ukraine nhỏ hơn, nhưng bền bỉ và thân cận đến mức dù tài giỏi thế nào thì phương Tây cũng khó có thể can thiệp vào được.

Chưa kể đến việc nếu động binh, Nga sẽ chịu vô vàn những trừng phạt kinh tế khác của Mỹ và châu Âu ngay lập tức. Nga có thể trả đũa, và các thành viên EU sẽ chịu thiệt hại. Nhưng cần hiểu rằng với Nga, EU là đối tác quan trọng nhất, còn với EU, Nga quan trọng nhưng chưa phải là tất cả.

Nếu thực sự áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế toàn diện (chắc chắn sẽ được áp đặt nếu Nga xâm lược Ukraine), thì Nga mới là nước vào thế ngàn cân treo sợi tóc. Chưa kể đến việc vị thế của Nga trên trường quốc tế sẽ mất hết, nước Nga sẽ tự cô lập mình và bị cả thế giới cô lập.

Với những lẽ thiệt như vậy, nước Nga chắc chắn không muốn động binh ở Ukraine. Cục diện sẽ vẫn tiếp diễn như hiện tại, có chăng Moscow đẩy nhanh tiến độ như cách họ đang làm rất hiệu quả mà thôi.

Theo Đất Việt


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN